Giỏ hàng

CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN Ở NGƯỜI CAO TUỔI

CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN Ở NG­ƯỜI CAO TUỔI

 

1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

1.1. Khái niệm

Theo tổ chức Y tế Thế giới, người trên 65 tuổi được gọi là tuổi già. Những người cao tuổi cũng bị các bệnh tâm thần hay gặp ở các lứa tuổi khác như trầm cảm, lo âu, tâm thần phân liệt. Ngoài ra, họ hay bị các bệnh mất trí do tai biến mạch máu não và teo não (bệnh Pic, Alzheimer) gây ra.

Ở người cao tuổi, các bệnh trầm cảm, lo âu, tâm thần phân liệt… thường tiến triển chậm hơn nhưng dai dẳng, ít khi tự lui bệnh. Các bệnh nhân này thường phải dùng liều thuốc thấp hơn so với bệnh nhân trẻ tuổi, vì thế thời gian điều trị thường phải kéo dài hơn so với bình thường.

1.2. Nguyên nhân

Sự suy giảm của các cơ quan và toàn bộ cơ thể do quá trình lão hoá không đồng đều, việc cấp máu cho tổ chức não ng­ười bắt đầu suy giảm ở độ tuổi trên 45. Người cao tuổi có sự giảm độ năng động thần kinh, phản xạ kém nhạy bén, giảm khả năng ghi nhớ, giảm khả năng chú ý, khả năng tư duy và tri giác cũng giảm sút rõ rệt.

Về mặt hình thái học, quá trình lão hoá biểu hiện rõ nhất ở sự thoái hoá myelin của các sợi trục, giảm số l­ượng các đuôi gai và giảm chức năng hoạt động của một số men ty lạp thể. Trọng l­ượng của não giảm, mật độ các tế bào não giảm.

Các nguyên nhân gây tổn thương ở não như chấn th­ương sọ não, u não, rối loạn tuần hoàn não, xuất huyết não, nghẽn mạch não, nhồi máu não rải rác cũng là nguyên nhân gây ra rối loạn tâm thần ở người cao tuổi.

Ngoài ra, tình trạng lạm dụng rượu, các bệnh nhiễm trùng, cao huyết áp, vữa xơ mạch não, đái đường; các bệnh lí tim mạch ở người già, suy thận mãn, thiếu vitamin B12, thiếu vitamin PP... cũng gây ra các rối loạn tâm thần ở người cao tuổi.            

2. TRẦM CẢM

2.1. Triệu chứng

Khoảng 25% người già được ghi nhận là bị trầm cảm; tuy vậy chỉ có 2-3% là bị trầm cảm mức độ nặng. Các bệnh nhân cao tuổi bị trầm cảm, tỷ lệ nữ/nam = 2/1.

Các bệnh nhân này thường có các bệnh cơ thể phối hợp như cao huyết áp, vữa xơ động mạch, đái tháo đường, u tiền liệt tuyến... Chính các bệnh này làm cho trầm cảm diễn biến phức tạp và khó điều trị hơn.

Các triệu chứng cần lưu ý của trầm cảm ở người cao tuổi là:

- Khí sắc giảm: bệnh nhân luôn âu sầu.

- Ngủ ít, thường chỉ ngủ 2-3 giờ mỗi ngày.

- Trí nhớ rất kém, đặc biệt là trí nhớ gần. Vì vậy dễ nhầm với mất trí.

- Nguy cơ tự sát ở nhóm người này rất cao, đặc biệt là ở những người sống độc thân.

- Liều thuốc thấp, đáp ứng điều trị tuy chậm nhưng bao giờ kết quả điều trị cũng là tốt.

2.2. Điều trị

- Dùng thuốc chống trầm cảm SSRI, liều bằng 1/2 liều cho người trẻ

- Kết hợp với bezodiazepin để giảm lo âu.

- Thời gian điều trị củng cố: kéo dài suốt đời.

Ví dụ:

(1). Sertralin 50mg x 1 viên uống tối

 

3. RỐI LOẠN CẢM XÚC LƯỠNG CỰC

3.1. Lâm sàng

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực ở người già có thể do 2 nguyên nhân sau:

- Bệnh khởi phát từ thời trẻ, bệnh vẫn tiếp tục phát triển.

- Bệnh khởi phát muộn ở tuổi già. Khi đó cần tìm các nguyên nhân thực tổn như vữa xơ động mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, u não...

Bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực có thể biểu hiện là giai đoạn trầm cảm hoặc hưng cảm.

- Trong giai đoạn trầm cảm, mất ngủ, trí nhớ kém và ý định tự sát là các triệu chứng nổi bật.

- Trong giai đoạn hưng cảm, giảm nhu cầu ngủ, nói nhiều, hoạt động nhiều là các triệu chứng nổi bật.

3.2. Điều trị

- Với giai đoạn trầm cảm: dùng thuốc chống trầm cảm SSRI. Ví dụ:

Sertralin 50mg x 1 viên uống tối.

- Với giai đoạn hưng cảm: dùng thuốc an thần mới kết hợp thuốc chỉnh khí sắc. Ví dụ: (1). Olanzapin 5mg x 1 viên tối

 (2). Valproat 200mg x 4 viên/ngày (sáng 2 viên, tối 2 viên).

- Điều trị củng cố: dùng thuốc chỉnh khí sắc suốt đời. Ví dụ:

Valproat 200mg x 2 viên/ngày (sáng 1 viên, tối 1 viên).

 

4.  CÁC RỐI LOẠN LO ÂU

4.1. Lâm sàng:

Bệnh lo âu lan tỏa rất phổ biến ở người cao tuổi. Các triệu chứng chủ yếu là:

- Lo lắng bền vững

Bệnh nhân rối loạn lo âu lan toả có lo lắng rất bền vững. Biểu hiện lo lắng của họ có thể rất mạnh mẽ và bệnh nhân không có khả năng kiểm soát được các lo lắng đó.

- Mất thư giãn hoặc cảm giác kích động, bực bội

Bệnh nhân luôn cảm thấy căng thẳng, không thể thư giãn được dù đã cố gắng. Họ hay bực bội với những lý do không đâu, bực bội với chính họ và những người xung quanh.

- Mất ngủ

Mất ngủ là triệu chứng rất phổ biến ở bệnh nhân lo âu lan tỏa. Hầu như tất cả các bệnh nhân này đều than phiền rằng họ rất khó vào giấc ngủ. Tình trạng khó vào giấc ngủ là do bệnh nhân rất khó thư giãn.

- Dễ mệt mỏi

Bệnh nhân luôn than phiền rằng mình mệt mỏi cả về thể xác và tinh thần. Nhiều bệnh nhân than phiền các công việc đơn giản như vệ sinh cá nhân cũng khiến họ tốn rất nhiều năng lượng và thời gian.

- Khó tập trung chú ý và trí nhớ trống rỗng

Bệnh nhân lo âu lan tỏa luôn trong tình trạng lo lắng và căng thẳng quá mức, do đó họ không thể tập trung chú ý vào một việc cụ thể dù trong thời gian ngắn. Chính vì khả năng chú ý kém cho nên khả năng ghi nhớ của họ cũng rất kém.

- Dễ cáu gắt

Do luôn trong tình trạng căng thẳng quá mức và vô lý, họ có thể nổi cáu với bất cứ ai với những lý do không đâu. Ngay trong lúc nổi cáu, bệnh nhân biết điều đó là vô lý nhưng không thể kiềm chế được.

- Tăng trương lực cơ

Bệnh nhân luôn cảm thấy các cơ xương của mình trong tình trạng căng cứng, đau và mỏi. Khi được nghỉ ngơi, tình trạng tăng trương lực cơ của bệnh nhân hầu như không giảm, vì vậy họ chóng mệt mỏi dù chỉ với một cố gắng nhẹ.

- Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật

Bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa thường có mạch tương đối nhanh (khoảng 100 lần phút); Nhịp thở của bệnh nhân lo âu lan tỏa thường là tăng nhẹ và tương đối nông. Bệnh nhân có thể ra nhiều mồ hôi trộm, ra mồ hôi lòng bàn tay bàn chân, có các cơn nóng bừng hoặc lạnh buốt ở nửa trên của cơ thể. Ngoài ra, họ còn cảm thấy khô cổ, khó nuốt, đầy bụng, hay đi đái rắt, thậm chí có thể đi ngoài táo lỏng thất thường.

4.2. Điều trị

- Thuốc bình thần

Các lo âu mạn tính đáp ứng tốt với thuốc benzodiazepin. Tất cả các benzodiazepin đều cho hiệu quả điều trị giống nhau với bệnh nhân lo âu lan toả. Các thuốc benzodiazepin đạt hiệu quả tối đa sau 4 tuần điều trị.

Khi muốn dừng thuốc thì cần giảm liều từ từ trong 4-8 tuần để tránh có hội chứng cai benzodiazepin.

Một số ví dụ cụ thể:

1. Rivotril 2mg x 1/2 viên/ngày (trưa 1/4 viên, tối 1/4 viên).

Hoặc

2. Lexomil6 mg x 1/2 viên/ngày (sáng 1/4 viên, tối 1/4 viên).

Sau 4-8 tuần điều trị với liều trên, có thể giảm đi một nửa liều thuốc (chỉ dùng liều buổi tối) và phải duy trì kéo dài tối thiểu 36 tháng.

 

 

 

- Các thuốc chống trầm cảm

Các thuốc chống trầm cảm mới là lựa chọn hàng đầu trong điều trị rối loạn lo âu lan toả vì chúng có hiệu quả tốt, ít tác dụng phụ, không gây quen thuốc hoặc nghiện thuốc.

- Sertralin : Có thể dùng liều 50-100mg/ngày, uống buổi tối. Thuốc dung nạp tốt, ít tác dụng phụ nên dễ được bệnh nhân chấp nhận điều trị

Thời gian điều trị: tối thiểu 36 tháng.

 

5. TÂM THẦN PHÂN LIỆT

5.1. Lâm sàng

Tâm thần phân liệt ở người cao tuổi có hai loại sau:

- Bị bệnh từ thời trẻ và bệnh tiếp tục phát triển đến giai đoạn này.

- Khởi phát muộn, khi bệnh nhân đã cao tuổi (rất hiếm).

Triệu chứng của tâm thần phân liệt ở người cao tuổi cũng giống như ở ác nhóm tuổi khác, nhưng có một số đặc điểm cần lưu ý sau:

+ Hoang tưởng thường gặp là hoang tưởng bị hại

+ Ảo thanh bình phẩm xấu về bệnh nhân

+ Mất ngủ trầm trọng

+ Kích động tâm thần vận động

5.2. Điều trị

Các bệnh nhân tâm thần phân liệt cao tuổi thường đáp ứng với thuốc kém, họ có nhiều bệnh cơ thể như cao huyết áp, u tiền liệt tuyến, suy tim... nên hay có nhiều tác dụng phụ. Vì thế chỉ nên dùng thuốc an thần mới.

Olanzapin 5mg x 1-2 viên/ngày. Uống thuốc suốt đời.

 

6. LẠM DỤNG CHẤT

6.1. Lạm dụng rượu

Lạm dụng rượu thường là phát triển tiếp tục từ thời trẻ. Đến giai đoạn này, họ tiếp tục uống rượu, nhưng lượng rượu uống không nhiều do đã phát triển đến giai đoạn 3 của nghiện rượu. Do uống rượu nhiều năm, họ hay bị các bệnh thực tổn ở gan, thận, tim mạch và tiêu hóa. Chính vì thế bệnh cảnh lâm sàng sẽ rất phức tạp và khó điều trị. Nhìn chung, không nên cai rượu tuyệt đối cho các bệnh nhân này vì khả năng thành công thấp và có nhiều biến chứng. Nếu cần cai rượu phải tiến hành điều trị nội trú trong bệnh khoa tâm thần.

6.2. Lạm dụng thuốc bình thần

Bệnh nhân cao tuổi thường tự dùng thuốc bình thần để điều trị tình trạng mất ngủ và lo âu của mình, dần dần gây ra phụ thuộc thuốc.

Các thuốc hay bị lạm dụng là seduxen và lexomil. Việc cai nghiên thuốc bình thần sẽ gặp khó khăn vì nguyên nhân gây phụ thuộc thuốc vẫn còn. Khi cai, nên dùng biện pháp thay thế (thay seduxen và lexomil bằng rivotrl liều nhỏ) kết hợp với thuốc chống trầm cảm 4 vòng liều thấp (mirtazapin). Ví dụ:

(1). Rivotril 2mg x 1/4 viên uống tối. Dùng thuốc 4-8 tuần.

(2). Mirtazapin 30mg x 1/2 viên uống tối. Dùng thuốc suốt đời.

 

7. MẤT TRÍ DO NGUYÊN NHÂN MẠCH MÁU

Mất trí do mạch máu là các mất trí xuất hiện sau tai biến mạch máu não hoặc nhồi máu não. Trí nhớ của bệnh nhân suy giảm đột ngột sau tai biến mạch máu não. Bệnh nhân suy giảm cả trí nhớ xa và trí nhớ gần. Đặc biệt là bệnh nhân hầu như không có khả năng ghi nhớ được những điều mới. Trí nhớ có thể suy giảm trầm trọng đến mức bệnh nhân không nhớ được tên mình và người thân.

- Chẩn đoán mất trí căn nguyên mạch máu dựa vào các điểm sau:

+ Có biểu hiện mất trí

+ Có các biểu hiện thần kinh khu trú

+ Khởi phát bệnh có thời điểm và tiển triển phụ thuộc vào tiến triển của bệnh mạch máu.

+ Hình ảnh tổn thư­ơng não trên CT hoặc MRI.

- Kết quả điều trị các bệnh nhân này rất hạn chế. Chủ yếu là công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và chống tái phát các cơn tai biến mạch máu não.

 

8. MẤT TRÍ TRONG BỆNH ALZHEIMER                                                                 

8.1. Lâm sàng

Bệnh Alzheimer là một bệnh mất trí do teo não nguyên phát căn nguyên chưa rõ, biểu hiện lâm sàng bằng trạng thái mất trí tiến triển, không phục hồi.

Khởi phát của bệnh thường sau tuổi 65, bệnh thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm trước khi có đủ các triệu chứng sau:

- Vong tri: tức là tri thức của bệnh nhân mất dần. Biểu hiện nổi bật là suy giảm trí nhớ dần cả trí nhớ xa và trí nhớ gần. Lúc đầu bệnh nhân không nhớ được những sự kiện mới xảy ra, về sau bệnh nhân quên cả quê quán, tên tuổi của mình và người thân.

- Vong ngôn: ngôn ngữ của bệnh nhân nghèo nàn dần. Về sau, bệnh nhân chỉ sử dụng được một số từ đơn giản, thậm chí là mất hẳn ngôn ngữ (chỉ còn kêu ú ớ).

- Vong hành: lúc đầu bệnh nhân mất dần phối hợp động tác, đi lại khó khăn do không giữ được thăng bằng. Về sau, bệnh nhân mất luôn khả năng đi lại.

- Trên phim chụp não (CT-Scan và MRI) có hình ảnh teo não lan tỏa, nhưng tập chung nhiều ở vùng thái dương và vùng đỉnh 2 bán cầu.

8.2. Tiến triển của bệnh

Alzheimer có tiến triển không thể đảo ngược. Từ lúc phát hiện đến lúc tử vong không quá 5 năm. Bệnh nhân thường chết do suy dinh dưỡng, do tai nạn (ngã) hoặc do bệnh nhiễm trùng.

 8.3. Tiêu chuẩn chẩn đoán Alzheimer theo ICD-10:

- Có biểu hiện mất trí.

- Khởi phát từ từ, suy thoái chậm.

- Không có bằng cứ về lâm sàng và các xét nghiệm đặc hiệu cho thấy tình trạng tâm thần là do một bệnh não hoặc một bệnh lí hệ thống gây nên.

- Không bắt đầu đột ngột, không có đột quị, không có dấu hiệu thần kinh khu trú, xuất hiện sớm trong quá trình bệnh.

8.4. Điều trị

Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh Alzheimer. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng cho bệnh nhân là cần thiết để tránh các tai nạn và các bệnh nhiễm trùng để kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân.