Giỏ hàng

Phụ thuộc/lạm dụng thuốc phiện  và chất tác động tâm thần khác

Phụ thuộc/lạm dụng thuốc phiện 

và chất tác động tâm thần khác

(Abuse/Dependence Opiate and Other Psychoactive Substances)

 

 1. Phụ thuộc và lạm dụng thuốc phiện.                         

1.1. Đặc điểm chung:

Tác dụng an thần của morphin được biết từ 4000 năm trước Công nguyên. Cùng với việc sử dụng thuốc phiện trong Y học, con người đã lạm dụng nó, nạn nghiện nuốt thuốc phiện chuyển sang hút là phổ biến ở vùng Đông nam Châu á từ thế kỷ XVII. Từ đầu thế kỷ XX, nạn nghiện hít heroin và codein phổ biến ở nhiều nước và ngày càng gia tăng. Đây là mối lo ngại không chỉ cho một quốc gia mà còn là gánh nặng cả về mặt tâm lý và xã hội cho hiện tại và tương lai của toàn nhân loại.

1.1.1. Đặc điểm tác dụng:

+ Liều chết của morphin cho người lớn tối thiểu là 0,2g và liều trung bình là 0,3-0,5g/ngày.

+ Thuốc phiện hoặc morphin đều có tác dụng giảm đau, khoái cảm, an dịu, gây ngủ ở các mức độ khác nhau.

+ Sau khi sử dụng thuốc phiện xuất hiện thứ tự các triệu chứng như sau:

- Cảm giác ấm vùng thắt lưng, ấm bụng, người nhẹ nhõm, lâng lâng như sóng lượn.

- Khoái cảm, thoải mái, liên tưởng nhanh, tái hiện dễ.

- Tiếp ngay đó là trạng thái ức chế vận động, ý thức thu hẹp, cảm giác đói và khát tan biến, chỉ còn cảm giác yên tĩnh, ngủ lim dim, đầy mơ mộng.

- Tiếp theo là ngủ sâu (nếu dùng liều thuốc cao).

- Dấu hiệu khách quan khi sử dụng thuốc phiện là đồng tử co nhỏ, mặt ửng đỏ (xung huyết ở mặt) và giảm tiết nước bọt.

1.1.2. Các giai đoạn của phụ thuộc thuốc phiện:

+ Giai đoạn 1 (thay đổi tính phản ứng cơ thể và trạng thái phụ thuộc tâm lý):

- Sử dụng thuốc thường xuyên, tăng liều gấp 3-5 lần, mất cảm giác ngứa.

- Thèm ám ảnh.

- Thời gian ở giai đoạn này với morphin là 2-3 tháng, với thuốc phiện là 3-4 tháng.

- Bệnh nhân thường giấu bệnh.

+ Giai đoạn 2 (hội chứng thay đổi tính phản ứng cơ thể và phụ thuộc tâm lý tiếp tục phát triển cao):

- Thoát ức chế phản xạ ho.

- Đại tiểu tiện dần dần hồi phục.

- Tiếp tục tăng liều hoặc thay đổi hình thức sử dụng để đạt trạng thái thoải mái, dễ chịu. Trong thực tế người ta đã gặp những bệnh nhân hút 100 điếu thuốc phiện/ngày hoặc dùng 250g thuốc phiện/ngày (gấp 750 lần liều cho phép).

- Rối loạn giấc ngủ nặng (khác với giai đoạn 1 là mất ngủ sau sử dụng thuốc, mặc dù đã tăng liều).

- Xuất hiện hội chứng phụ thuộc thuốc phiện thực thể biểu hiện bằng hội chứng cai cấp tính hoặc thèm bắt buộc.

* Mức độ của hội chứng cai cấp tính là:

    - Mức 0: Thèm, bồn chồn, lo sợ.

- Mức 1: Ngáp, chảy nước mắt, nước mũi, tăng tiết mồ hôi.

- Mức 2: Tồn tại các triệu chứng trên và kèm theo giãn đồng tử, nổi da gà, dựng chân lông, chán ăn, run, cơn nóng hoặc lạnh, đau lan toả.

- Mức 3 và 4: Tăng cường độ các triệu chứng trên, tăng nhiệt độ, tăng huyết áp, mạch nhanh, tăng nhịp thở và có nhiều động tác bối rối.

+ Giai đoạn 3 (hội chứng phụ thuộc thực thể chiếm ưu thế):

- Khả năng dung nạp thuốc giảm, bệnh nhân dùng giảm liều rõ rệt.

- Hội chứng cai biểu hiện nặng nề hơn như: mạch chậm, huyết áp giảm, trụy tim mạch, rối loạn tiêu hoá nặng (ỉa chảy cấp), đau khớp hàm và các cơ nhai và hội chứng cai kéo dài 5-6 tuần cuối cùng là trạng thái sau cai kéo dài 1,5-2 tháng.

1.2. Hậu quả do phụ thuộc thuốc phiện:

1.2.1. Về mặt tâm lý-xã hội:

+ Giảm chất lượng của hoạt động trí tuệ sẽ dẫn đến hứng thú thu hẹp, khó tập trung chú ý, nhớ không chính xác và khí sắc không ổn định.

+ Suy thoái luân lý-đạo đức dẫn đến mất khả năng đánh giá hành vi của bản thân, nhân cách suy đồi và biến đổi, thèm thuốc bắt buộc, suy giảm chú ý, chịu ảnh hưởng của những nhóm người xấu, có thái độ thờ ơ với xã hội, có ý tưởng và hành vi tự sát (chiếm tỷ lệ 25% người nghiện).

+ Hình thành các ổ tệ nạn xã hội dẫn đến lan truyền các tệ nạn tiêu cực của xã hội, có lối sống sa đoạ, trụy lạc, ký sinh, dựa dẫm vào người khác và ích kỷ.

+ Gánh nặng về kinh tế và tâm lý dẫn đến người nghiện không những gây ra gánh nặng về mặt kinh tế mà còn gây căng thẳng về mặt tâm lý cho gia đình và cho toàn xã hội.

1.2.2. Về mặt thể chất:

+ Người nghiện suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, sức đề kháng cơ thể giảm dễ bội nhiễm, rối loạn dinh dưỡng, rụng tóc, gẫy móng, bong men răng, sâu răng, rụng răng, ...

+ Viêm tắc tĩnh mạch, có thể có các ổ abcess.

+ Tạo ra các ổ lan truyền dịch bệnh lây theo đường sinh dục như: HIV/AIDS, giang mai, lậu, ...

+ Có nhiều nguy cơ phát triển các bệnh cơ thể:

- Thoái hoá mỡ của tế bào vỏ não chủ yếu ở vùng trán và sừng Amon.

- Trong hội chứng cai cấp tính có tăng hồng cầu, bạch cầu, tăng bạch cầu trung tính và giảm bạch cầu ưa axit.

- Trong máu thấy giảm Ca++, Cl-, đường máu, oxy máu và tăng K+, axeton.

1.3. Chẩn đoán nghiện thuốc phiện:

- Có bằng chứng sử dụng thuốc phiện thường xuyên.

- Có hội chứng phụ thuộc thuốc như: hội chứng phụ thuộc tâm lý và hội chứng phụ thuộc thực thể.

1.3.1. Say thuốc phiện bệnh lý (Opiate Intoxication Delirium):

     Đặc điểm cơ bản của say thuốc phiện bệnh lý là những thay đổi tâm lí hoặc hành vi không thích hợp có ý nghĩa lâm sàng như trạng thái lâng lâng, thờ ơ, lãnh đạm, bồn chồn, kích thích hoặc ức chế tâm thần vận động, giảm suy đoán, giảm chức năng hoạt động xã hội và nghề nghiệp trong một thời gian ngắn khi sử dụng thuộc phiện.

    Say đi kèm với co đồng tử (trừ khi quá liều nghiêm trọng với hậu quả là thiếu oxy huyết gây giãn đồng tử) và một hay nhiều dấu hiệu sau:

- Người dùng thuốc ngủ gà, ngủ gật, thậm chí dẫn đến hôn mê.

- Nói líu nhíu và giảm chú ý hoặc giảm trí nhớ.

- Những thay đổi hành vi và sinh lý do sử dụng thuốc phiện phụ thuộc vào người dùng, đặc điểm cá thể của người sử dụng phụ thuộc vào: độ dung nạp, tỷ lệ hấp thu, mức độ sử dụng thường xuyên hay không thường xuyên.

- Các triệu chứng say thuốc phiện bệnh lý thường kéo dài vài giờ là khoảng thời gian phù hợp với thời gian bán huỷ của thuốc phiện.

- Say thuốc phiện bệnh lý nặng do sử dụng thuốc phiện quá liều có thể dẫn tới hôn mê, ức chế hô hấp, giãn đồng tử, mất tri giác và thậm chí có thể tử vong.

1.3.2. Tiêu chuẩn chẩn đoán say thuốc phiện bệnh lý:

+ Mới sử dụng thuốc phiện.

+ Những thay đổi tâm lí và hành vi không thích hợp có ý nghĩa lâm sàng như trạng thái lâng lâng, thờ ơ, lãnh đạm, bồn chồn, tăng kích thích hoặc ức chế tâm thần vận động, giảm suy đoán, giảm chức năng hoạt động xã hội và nghề nghiệp diễn ra trong một thời gian ngắn khi sử dụng thuốc phiện.

    + Co đồng tử hoặc giãn đồng tử do thiếu oxy máu, khi dùng quá liều nghiêm trọng và một hoặc nhiều hơn các dấu hiệu dưới đây diễn ra trong thời gian ngắn sau sử dụng thuốc phiện:

- Ngủ gà hay hôn mê.

- Nói líu nhíu.

- Giảm chú ý và trí nhớ.

+ Những triệu chứng này không do bệnh lý chung và không có rối loạn tâm thần khác gây ra và đặc biệt là không có rối loạn tri giác.

1.3.3. Tiêu chuẩn chẩn đoán cai thuốc phiện (Opiate Withdrawal):

a/ Có một trong những dấu hiệu sau:

- Ngừng (hoặc giảm) dùng thuốc phiện đã sử dụng nhiều năm và kéo dài (vài ngày hoặc vài tuần).

- Dùng một chất đối kháng với thuốc phiện sau một thời gian đã dùng thuốc phiện kéo dài.

    b/ Ba hoặc nhiều hơn trong những dấu hiệu sau diễn ra trong vòng vài phút đến vài ngày sau tiêu chuẩn "a":

- Tình trạng bồn chồn.

- Buồn nôn hoặc nôn.

- Đau cơ.

    - Chảy nước mặt hoặc nước mũi.

- Giãn đồng tử, nổi da gà hoặc ra mồ hôi.

- Ỉa chảy.

- Ngáp.

- Tăng thân nhiệt.

- Mất ngủ.

    c/ Các triệu chứng ở tiêu chuẩn "b": gây ra những khó chịu hoặc suy giảm có ý nghĩa trong chức năng hoạt động xã hội và nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.

d/ Các triệu chứng không phải do bệnh lý chung và không có rối loạn tâm thần khác gây ra.

1.3.4. Xét nghiệm cận lâm sàng:

    Xét nghiệm nước tiểu thường là dương tính với thuốc phiện ở những người nghiện. Ngoài ra xét nghiệm còn dương tính với hầu hết các opioid khác trong 12-36 giờ sau khi sử dụng. Đối với methadone thì kéo dài hơn thường trong vài ngày.

1.3.5. Các rối loạn kết hợp:

+ Phụ thuộc thuốc phiện thường đi kèm với tiền sử tội phạp liên quan đến ma tuý như tàng trữ và mua bán ma tuý, lừa đảo, trộm cắp, cướp của hoặc tiêu thụ của gian.

+ Ly hôn, thất nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định thường kèm với phụ thuộc thuốc phiện ở tất cả các tầng lớp xã hội.

+ Đa số người lần đầu tiên sử dụng thuốc phiện có triệu chứng bồn chồn hơn là lâng lâng, có thể buồn nôn hoặc nôn. Những người nghiện thuốc phiện có nguy cơ bị trầm cảm ngắn và nhẹ. Đặc biệt trầm cảm thường gặp trong thời gian say thuốc phiện bệnh lý mạn tính hoặc kết hợp với các stress tâm lí-xã hội có liên quan với phụ thuộc thuốc phiện.

+ Rối loạn nhân cách chống đối xã hội thường xuất hiện nhiều hơn người bình thường. Các rối loạn stress sau sang chấn và các khiếm khuyết về hạnh kiểm khi còn nhỏ và tuổi vị thành niên là yếu tố nguy cơ phụ thuộc thuốc phiện.

1.3.6. Nguy cơ bị các bệnh thực thể:

    + Sử dụng thuốc phiện gây ra cấp và mạn tính do thiếu tiết dịch, gây khô miệng và khô mũi, nhu động dạ dày và ruột giảm, táo bón, thị lực giảm do co đồng tử. Những người sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch thường xơ cứng tĩnh mạch và gây viêm tắc tĩnh mạch. Khi tiêm dưới da gây abcess, uốn ván và nhiễm khuẩn huyết.

    + Viêm gan, viêm màng trong tim, nhiễm HIV và lao. Đáng chú ý là nhiễm lao không có triệu chứng, chỉ phát hiện bằng test mautoux, đồng thời với nhiễm lao là nhiễm HIV chiếm tỷ lệ cao (60%) đặc biệt là nghiện heroin.

    - Tỷ lệ tử vong cao, ước tính khoảng 1%.

1.4. Tiên lượng nghiện thuốc phiện:

     Người nghiện thường có:

    - Nhân cách suy đồi, nhân cách kém phát triển.

- Trạng thái ổn định sau cai không bền vững, thường xuất hiện trạng thái phụ thuộc tâm lý.

- Môi trường sống không thuận lợi có ảnh hưởng xấu đến nhân cách của người bệnh.

- Dễ bị lôi cuốn bởi những nhóm người xấu.

    - Lý do các người nghiện tử vong là các bệnh cơ thể, ngộ độc hoặc đói thuốc đột ngột và do bế tắc trong cuộc sống.

1.5. Điều trị:

1.5.1. Điều trị hội chứng cai cấp:

+ Tổ chức cắt cơn nghiện cho các bệnh nhân tự nguyện và các bệnh nhân bị cưỡng chế đúng thủ tục.

+ Biểu lộ sự thông cảm và quan tâm như một người bệnh. Cần loại trừ các chống chỉ định (bệnh cơ thể cấp, rối loạn tâm thần cấp, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, hen, tâm phế mạn, ...).

+ Có thể khắc phục hội chứng cai cấp bằng các biện pháp:

* Phương pháp cắt ngang:

    - Tuần 1:  Ngừng thuốc phiện.

- Tuần 2:  Các biện pháp định hướng tái thích ứng xã hội để bệnh nhân tự tìm hiểu, làm quen với các biện pháp sẽ tiến hành.

- Tuần 3:  Lên lớp về tác hại của lạm dụng thuốc phiện.

- Tuần 4:  Rèn luyện thể chất (lao động, thể dục, thể thao) nhằm xây dựng tính kỷ luật, chấp hành nội qui, nâng cao thể lực, củng cố sức khoẻ tâm thần.

- Tuần 5:  Dạy nghề trong thời gian 2-6 tháng có chương trình giảng dạy hàng ngày, tiếp đó 2 năm tự làm có quản lý.

* Phương pháp dùng chất thay thế methadone:

- Chống chỉ định với các bệnh nhân suy hô hấp và bệnh nhân dưới 7 tuổi.

- Methadone 20-25 mg x 2 lần/ngày x 1-3 ngày.

- Methadone 15-20 mg x 2 lần/ngày x 1-3 ngày.

- Methadone 10-15 mg x 1 lần/ngày x 1-3 ngày (uống trước khi ngủ).

    * Phương pháp của I.M. Ramkhen (1965):

- Sử dụng mellictin (chống chỉ định: nhược cơ, bệnh gan, thận, suy tim) nhằm khắc phục cảm giác đau cơ, khớp. Liều dùng mellictin 0,02 g x 4 viên/ngày (chia 4 lần) thời gian 7-10 ngày.

- Sử dụng gangleron (không tiêm tĩnh mạch vì giảm huyết áp) với mục đích khắc phục rối loạn chức năng các nội tạng như mạch nhanh, khó thở, nôn, ỉa chảy cấp, đau các nội tạng. Liều dùng gangleron 1,5% x 2ml x 4 lần/ngày (tiêm bắp thịt, thời gian 7 ngày) hoặc gangleron 0,04 x 4viên/ ngày (chia 2 lần) thời gian 7-10 ngày

- Sử dụng artan (chống chỉ định: thiên đầu thống, rung tâm nhĩ, cao huyết áp, bệnh tim, gan, thận) chống hắt hơi, chống tăng tiết. Liều dùng artan 2mg x 1viên x 3 lần/ngày (trong thời gian 7 ngày).

1.5.2. Điều trị các biến chứng:

- Truỵ tim mạch.

- Rối loạn hô hấp.

- Hôn mê do phù não.

- Trạng thái động kinh .

- Ỉa chảy cấp.

1.5.3. Điều trị củng cố:

- Khắc phục trạng thái sau cai với trạng thái phụ thuộc tâm lý.

- Tái thích ứng xã hội và lao động.

    - Tâm lý liệu pháp.

    Cần có thời gian điều trị nội trú 3-6 tháng mới đạt được yêu cầu điều trị.

   + Điều trị ngoại trú, quản lý theo dõi 5 năm có khám sức khoẻ định kỳ:

- Năm thứ nhất: 2 lần/tháng

- Năm thứ 2: 1 lần/tháng

- Năm thứ 3: 1 lần/3 tháng

- Năm thứ 4: 1 lần/4 tháng

- Năm thứ 5: 1 lần/6 tháng.

   + Nếu có trạng thái mất bù bệnh nhân cần được điều trị nội trú hoặc định kỳ điều trị củng cố tại bệnh viện.

- Năm thứ 1 và 2: 1 lần/3 tháng.

- Năm thứ 3: 1 lần/6 tháng.

- Năm thứ 4, thứ 5 thì tuỳ thuộc vào mức độ ổn định để quyết định có điều trị củng cố nữa hay không.

   + Điều trị nội trú tại bệnh viện chỉ tạo tiền đề loại trừ hội chứng cai cấp, phát động ý chí người bệnh chống tái nghiện. Còn kết quả có bền vững hay không phụ thuộc vào ý chí người bệnh, môi trường tâm lý- xã hội, thái độ của cộng đồng, ...

2. Phụ thuộc chất tác động tâm thần khác.       

2.1. Phụ thuộc cần sa và các thuốc thuộc nhóm amphetamin:

2.1.1. Đặc điểm lâm sàng chung:

    Biểu hiện lâm sàng của phụ thuộc cần sa và các thuốc nhóm amphetamin gần tương tự như nhau, chủ yếu là trạng thái kích thích hưng phấn, gây khoái cảm. Hội chứng cai của amphetamin có biểu hiện rối loạn chức năng cơ thể nhiều hơn so với cần sa. Cần sa thường được sử dụng dưới dạng lá (khô và tươi) và nhựa (hachich) bằng phương thức hút như thuốc lá, hút trên bàn đèn, nấu canh ăn, ... Tác dụng của cần sa thường xuất hiện 30 phút sau khi sử dụng và kéo dài 3-4 giờ liền. Người bệnh phụ thuộc về mặt tâm thần là chủ yếu, còn về thể chất ít bị ảnh hưởng nên rất khó cai. Biểu hiện lâm sàng tác dụng của cần sa là trạng thái tâm thần khoan khoái, dễ chịu, tan biến các ức chế, tăng lòng tự tin, hoà nhã và cởi mở với mọi người. Hội chứng cai biểu hiện chủ yếu là trầm cảm, lo âu, cảm xúc dao động, bồn chồn dễ bị kích thích. Đôi lúc người bệnh hay nổi nóng dễ có hành vi xung động, có thể gặp hoang tưởng, ảo giác có nội dung phù hợp với cảm xúc. Điều trị không cần phải dùng thuốc như phụ thuộc thuốc phiện mà chỉ cần nghỉ ngơi, yên tĩnh và tâm lý liệu pháp.

2.1.2. Tiêu chuẩn chẩn đoán say amphetamin bệnh lý:

    a/ Gần đây có sử dụng amphetamin hoặc một chất có liên quan đến amphetamin như methylphenidate.

    b/ Những thay đổi tâm lí và hành vi như khoái cảm, dễ kích thích, thay đổi tình tình, cảm giác rất nhạy cảm, lo âu, căng thẳng, giận dữ, hành vi định hình, giảm suy đoán, giảm chức năng hoạt động xã hội và nghề nghiệp diễn ra trong thời gian ngắn sau khi sử dụng amphetamin.

    c/ Hai hoặc nhiều hơn các dấu hiệu dưới đây xảy ra trong khi sử dụng amphetamin hoặc chất có liên quan.

    - Nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim chậm.

    - Đồng tử giãn.

    - Tăng hoặc giảm huyết áp.

    - Ra mồ hôi hoặc ớn lạnh.

    - Buồn nôn hoặc nôn.

    - Sút cân.

    - Ức chế hoặc kích động tâm thần vận động.

    - Yếu cơ, suy hô hấp, đau ngực và loạn nhịp tim.

    - Lú lẫn, co giật, rối loạn vận động, rối loạn trương lực cơ hoặc hôn mê.

    d/ Các triệu chứng không do bệnh lý chung và không có rối loạn tâm thần khác gây ra, đặc biệt là rối loạn nhận thức.

    2.1.3. Tiêu chuẩn chẩn đoán cai amphetamin:

    a/ Ngừng hoặc giảm dùng amphetamin hoặc một chất khác đã dùng nhiều và kéo dài.

    b/ Tâm trạng bồn chồn và hai hoặc nhiều hơn các thay đổi sinh lý dưới đây diễn ra trong vài ngày hoặc vài giờ sau tiêu chuẩn "a".

- Mệt mỏi.

- Những ác mộng giàu hình ảnh.

- Mất ngủ hoặc ngủ lịm.

- Kích thích thèm ăn hoặc cuồng ăn.

- Ức chế hoặc kích thích tâm thần vận động.

    c/ Các triệu chứng trong tiêu chuẩn "b" gây rối loạn hay suy giảm có ý nghĩa lâm sàng như các chức năng hoạt động xã hội và nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.

    d/ Các triệu chứng này không do bệnh lý chung và không có rối loạn tâm thần nào khác gây ra.

     2.1.4. Tiêu chuẩn chẩn đoán say cần sa bệnh lý:

     a/ Gần đây có sử dụng cần sa.

     b/ Những thay đổi tâm lí và hành vi kém thích ứng có ý nghĩa như giảm phối hợp vận động, khoái cảm, lo âu, trạng thái căng thẳng, từ chối xã hội xảy ra trong hoặc sau một thời gian sử dụng cần sa.

     c/ Hai hoặc nhiều hơn các dấu hiệu dưới đây xảy ra khi sử dụng cần sa:

- Xung huyết kết mạc.

- Cuồng ăn.

- Khô miệng.

- Tim nhịp nhanh.

     d/ Các triệu chứng này không do bệnh lý chung và không có rối loạn tâm thần khác gây ra, đặc biệt là rối loạn nhận thức.

    2.2. Phụ thuộc các thuốc giảm đau, thuốc ngủ và thuốc giải lo âu:

2.2.1. Đặc điểm lâm sàng chung:

    Thường gặp phụ thuộc thuốc barbituric loại tác dụng nhanh và thuốc bình thản tranquillisants. Trước đây người ta chỉ dừng lại ở khái niệm quen thuốc hay phụ thuộc tâm lý. Hiện nay người ta thấy rằng khi ngừng thuốc đột ngột có xuất hiện hội chứng cai. Như vậy là thuốc có gây nghiện hay gây nên trạng thái phụ thuộc thực thể.

     Biểu hiện của hội chứng cai khá rõ rệt. Sau khi cắt thuốc 24-36 giờ xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, bồn chồn, run, lo âu, mất ngủ, tăng huyết áp khi nằm nhưng lại hạ huyết áp khi dậy đột ngột, co giật toàn thân kiểu động kinh và kèm theo các rối loạn tâm thần đa dạng. Thời gian của hội chứng cai cũng kéo dài 7-10 ngày hoặc cũng có thể kéo dài vài tuần. Điều trị chủ yếu là xử trí các biến chứng, nâng đỡ tình trạng cơ thể và tâm lý liệu pháp.

 2.2.2. Tiêu chuẩn chẩn đoán say các thuốc giảm đau, thuốc ngủ và thuốc giải lo âu:

a/ Gần đây có sử dụng thuốc giảm đau, thuốc ngủ và thuốc giảm lo âu.

b/ Có thay đổi hành vi hoặc tâm thần kém thích ứng có ý nghĩa như hành vi tình dục không thích hợp, hành vi công kích, thay đổi tính tình, thay đổi tâm trạng, giảm suy đoán, suy yếu các chức năng hoạt động xã hội và nghề nghiệp.

c/ Một hoặc nhiều hơn các dấu hiệu dưới đây xảy ra trong khi dùng các  thuốc giảm đau, thuốc ngủ và thuốc giải lo âu:

- Líu lưỡi.

- Mất điều hoà.

- Đi loạng choạng.

- Rung giật nhãn cầu.

- Giảm trí nhớ và chú ý.

- Bất tỉnh hoặc hôn mê.

d/ Các triệu chứng này không do bệnh lý chung và không có rối loạn tâm thần khác gây ra.

2.2.3. Tiêu chuẩn chẩn đoán cai thuốc giảm đau, thuốc ngủ và thuốc giải lo âu:

a/ Ngừng hoặc giảm sử dụng các thuốc giảm đau, thuốc ngủ và thuốc giải lo âu đã sử dụng kéo dài hoặc liều cao.

b/ Hai hoặc ba triệu chứng xảy ra sau vài giờ đến vài ngày sau tiêu chuẩn "a".

- Tăng hoạt động tự động (tăng nhịp tim hơn 100 lần/ph)

- Run tay.

- Mất ngủ.

- Buồn nôn hoặc nôn.

- ảo thị giác ngắn, ảo thính giác, ảo khứu giác hoặc hoang tưởng.

- Kích động tâm thần vận động.

- Lo âu.

- Động kinh cơn lớn.

c/ Các triệu chứng ở tiêu chuẩn "b" gây nguy kịch hoặc suy giảm chức năng hoạt động xã hội và nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực khác.

d/ Các triệu chứng này không do bệnh lý chung và không có rối loạn tâm thần nào khác gây ra. Đặc biệt là có rối loạn nhận thức.

2.3. Phụ thuộc cocain:

2.3.1. Đặc điểm lâm sàng chung:

Cocain là loại ma tuý phát huy tác dụng ngay, có ảnh hưởng nhanh và mạnh lên hệ thần kinh trung ương, nhất là khi tiêm tĩnh mạch hoặc hút như hút cần sa, gây ra cảm giác dễ chịu ngay lập tức, tự tin, hớn hở. Những thay đổi hành vi đột ngột diễn ra nhanh chóng nhất là những trường hợp có phụ thuộc cocain. Những người phụ thuộc cocain phải tiêu tốn nhiều tiền của trong một thời gian ngắn, gây giảm sút về tài chính cho gia đình và cho bản thân. Người nghiện có thể dính líu vào những hoạt động tội phạm để kiếm tiền mua cocain.

Những hành vi thất thường, xa lánh xã hội và rối loạn chức năng giới tính thường xuất hiện ở những trường hợp phụ thuộc cocain kéo dài. Hành vi hung hăng có thể là do tác dụng của cocain, hành vi bạo lực cũng liên quan đến buôn bán cocain. Hành vi tình dục bừa bãi hoặc là kết quả của tăng ham muốn hoặc dùng tình dục nhằm tìm kiếm cocain hoặc kiếm tiền để mua cocain đang trở thành yếu tố làm lan tràn bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai, HIV.

Say cocain bệnh lý có thể gây ra nói năng không mạch lạc, đau đầu, hay đổi ý kiến, ù tai, có thể có ảo thính giác, hoang tưởng, ảo xúc giác mà người sử dụng thường nhận thức là tác dụng của cocain. Các cơn tức giận với lời đe doạ hoặc có thể xảy ra hành vi tấn công, ý tưởng tự sát, kích thích, cảm xúc không ổn định, mất hứng thú, khó tập trung chú ý.

Người phụ thuộc cocain thường có các triệu chứng trầm cảm nhất thời, phù hợp với tiêu chuẩn triệu chứng và thời gian của rối loạn trầm cảm. Cũng thường gặp cơn hoảng loạn, sợ đám đông, lo âu, rối loạn ăn uống kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần. Người phụ thuộc cocain thường có các phản xạ có điều kiện với các chất kích thích có liên quan đến cocain như thèm muốn khi nhìn thấy bất kỳ chất bột trắng nào giống cocain. Những phản xạ này có thể gây tái nghiện, rất khó dập tắt và dai dẳng sau khi được giải độc hoàn toàn. Phụ thuộc cocain thường liên quan đến lạm dụng một số chất khác như rượu, cần sa, benzodiazepin. Những chất này thường được dùng làm giảm lo âu và các tác dụng phụ gây kích thích khó chịu của cocain. Phụ thuộc cocain thường có liên quan đến rối loạn stress sau chấn thương tâm lí, rối loạn hành vi chống đối xã hội, mê cờ bạc kiểu bệnh lý.

2.3.2. Tiêu chuẩn chẩn đoán say cocain bệnh lý:

a/ Gần đây có dùng cocain.

b/ Những thay đổi tâm lí và hành vi không thích ứng có ý nghĩa lâm sàng như: phởn phơ, trơ lì. Thay đổi trong quan hệ xã hội như thích nghi, nhạy cảm trong giao tiếp với người khác, lo âu, căng thẳng, giận dữ, hành vi định hình, giảm suy đoán, giảm chức năng hoạt động nghề nghiệp và xã hội.

c/ Hai hoặc nhiều hơn các triệu chứng sau đây:

- Nhịp tim nhanh hoặc chậm.

- Giãn đồng tử.

- Tăng hoặc hạ huyết áp.

- Ra mồ hôi hoặc ớn lạnh.

- Buồn nôn và nôn.

- Sút cân.

- Ức chế hoặc kích động tâm thần vận động.

- Yếu cơ, suy hô hấp, đau ngực hoặc loạn nhịp tim.

- Lú lẫn, co giật, rối loạn vận động, rối loạn trương lực cơ hoặc hôn mê.

d/ Các triệu chứng này không do các bệnh lý chung và không có rối loạn tâm thần khác gây ra, đặc biệt có rối loạn nhận thức.

2.3.3. Tiêu chuẩn chẩn đoán cai cocain:

a/ Ngừng hoặc giảm sử dụng cocain ở bệnh nhân đã dùng cocain nhiều và kéo dài.

b/ Tâm trạng bồn chồn và hai hoặc nhiều hơn các thay đổi sinh lý dưới đây trong vài ngày hoặc vài giờ sau tiêu chuẩn "a".

- Mệt mỏi.

- Những cơn ác mộng giàu hình ảnh.

- Mất ngủ hoặc ngủ lịm.

- Kích thích thèm ăn hoặc cuồng ăn.

- ức chế hoặc kích thích tâm thần vận động.

c/ Các triệu chứng trong tiêu chuẩn "b" gây rối loạn hoặc giảm có ý nghĩa lâm sàng các chức năng hoạt động xã hội và nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.

d/ Các triệu chứng không do bệnh lý chung gây ra và không có rối loạn tâm thần nào khác gây ra.

2.4. Phụ thuộc các chất gây ảo giác:

2.4.1. Đặc điểm lâm sàng chung:

Khi say các chất gây ảo giác bệnh lý, bệnh nhân có thể ba hoa, diễn đạt không mạch lạc, thay đổi cảm xúc nhanh, cảm giác hoảng sợ, lo âu. Nhiều chất gây ảo giác gây kích thích như nhịp tim nhanh, tăng huyết áp nhẹ, tăng thân nhiệt, giãn đồng tử giống như sau amphetamin. Rối loạn nhận thức, giảm suy đoán, dễ bị tai nạn giao thông, hay đánh nhau, bay từ cao xuống đất (như nhảy dù do ảo giác).

Rối loạn nhận thức dai dẳng do các chất gây ảo giác có thể gây ra lo âu, dễ bị ám thị, rối loạn hành vi hay gặp ở trẻ em và vị thành niên, rối loạn nhân cách chống đối xã hội ở người trưởng thành.

2.4.2. Tiêu chuẩn chẩn đoán say các chất gây ảo giác bệnh lý:

a/ Gần đây có sử dụng chất gây ảo giác.

b/ Các thay đổi tâm lí và hành vi kém thích ứng có ý nghĩa lâm sàng như lo âu, trầm cảm, ý tưởng tự cao, sợ mất trí, hoang tưởng, giảm suy đoán, giảm chức năng hoạt động xã hội và nghề nghiệp xảy ra trong hoặc sau khi dùng chất gây ảo giác.

c/ Thay đổi nhận thức xảy ra trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo như tăng tưởng tượng, mất cá tính, mất nhận thức, ảo giác, cảm giác pha trộn diễn ra trong hoặc sau khi dùng chất gây ảo giác.

d/ Hai hay nhiều hơn các dấu hiệu sau đây diễn ra trong hoặc sau khi dùng chất gây ảo giác:

- Giãn đồng tử.

- Nhịp tim nhanh.

- Ra mồ hôi.

- Đánh trống ngực.

- Rối loạn điều tiết của mắt.

- Run toàn thân.

- Mất phối hợp vận động.

e/ Các triệu chứng này không do bệnh lý chung và không có rối loạn tâm thần khác gây ra.

2.5. Phụ thuộc phencyclidin:

2.5.1. Đặc điểm lâm sàng chung:

Phụ thuộc phencyclidin có thể vẫn tỉnh táo định hướng được, có thể có hoang tưởng và giảm trương lực cơ, có thể bị rắc rối trong nghề nghiệp, gia đình, xã hội và pháp luật như hành vi bạo lực, kích động, hành vi dị kỳ như bối rối, lơ đãng. Rối loạn tính cách chống đối xã hội ở người trưởng thành khác với trẻ em và tuổi vị thành niên gây ra rối loạn hành vi dị kỳ, đánh nhau và dễ bị bắt giữ.

2.5.2. Tiêu chuẩn chẩn đoán say phencyclidin bệnh lý:

a/ Gần đây có sử dụng phencyclidin hoặc chất có liên quan.

b/ Những thay đổi hành vi kém thích ứng có ý nghĩa lâm sàng như gây lộn, hành hung, cảm xúc không ổn định, rối loạn tâm thần vận động, giảm suy đoán, ứng xử xã hội kém, giảm khả năng làm việc xảy ra trong khi sử dụng phencyclidin hoặc sau một thời gian ngắn.

c/ Trong vòng một giờ có 2 hoặc nhiều hơn các dấu hiệu dưới đây.

- Rung nhãn cầu tư thế đứng hoặc nằm.

- Tăng huyết áp hoặc tim đập nhanh.

- Tê liệt hoặc giảm đáp ứng đau.

- Mất điều hoà.

- Loạn vận ngôn.

- Đau cơ.

- Động kinh hoặc hôn mê.

- Tăng thính lực.

d/ Các triệu chứng phải không do bệnh lý chung và không có rối loạn tâm thần khác gây ra.