Giỏ hàng

RỐI LOẠN PHÂN LIỆT CẢM XÚC

RỐI LOẠN PHÂN LIỆT CẢM XÚC

 

1. Khái niệm

  Rối loạn phân liệt cảm xúc (RLPLCX) là những rối loạn từng giai đoạn, trong đó có các triệu chứng cảm xúc lẫn phân liệt đều nổi bật trong cùng một giai đoạn của bệnh, thường là đồng thời nhưng ít nhất cũng cách nhau khoảng vài ngày. Mối liên quan của chúng với những rối loạn cảm xúc điển hình và các rối loạn phân liệt là không chắc chắn. Chúng được coi như một thể loại riêng bởi vì chúng rất phổ biến nên không thể bỏ qua được.

  Các hoang tưởng và ảo giác không phù hợp với khí sắc trong các rối loạn cảm xúc.

  Những bệnh nhân có các giai đoạn phân liệt cảm xúc tái diễn, đặc biệt ở người có những triệu chứng thuộc loại hưng cảm nhiều hơn là trầm cảm, thường được thuyên giảm hoàn toàn và hiếm khi phát triển sang trạng thái dị tật.

  Theo ICD - 10F, các rối loạn này chia làm 3 loại chính:

          - Rối loạn phân liệt cảm xúc loại hưng cảm (F25.0).

          - Rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm (F25.1).

          - Rối loạn phan liệt cảm xúc loại hỗn hợp (F25.2).

2. Lâm sàng và chẩn đoán

2.1. Rối loạn phân liệt cảm xúc loại hưng cảm

2.1.1. Lâm sàng.

  Một rối loạn trong đó các triệu chứng tâm thần phân liệt (TTPL) và các triệu chứng hưng cảm, cả hai đều nổi bật trong cùng một giai đoạn của bệnh.

          - Khí sắc bất thường, hưng phấn.

          - Tu duy hưng phấn kèm theo tự đánh giá bản thân quá cao và ý tưởng khuyếch đại, nhưng đôi khi kích động hoặc cáu kỉnh rõ hơn và kèm theo tác phong xâm phạm và ý tường bị truy hại.

          - Hoạt động tăng quá mức, sự tập trung chú ý bị rối loạn, mất khả năng ức chế xã hội bình thường.

          - Có thể có những hoang tưởng liên hệ tự cao hay truy hại… có thể có hoang tưởng bị chi phối, bị kiểm tra.

          - Có thể xuất hiện ảo giác (ảo thanh) hoặc các hoang tưởng khác.

          - Hành vi rối loạn nặng nề.

  Mặc dù rối loạn cảm xúc và hành vi rầm rộ, nhưng rối loạn phân liệt cảm xúc hưng cảm có thể phục hồi hoàn toàn trong vài tuần.

2.1.2. Nguyên tắc chẩn đoán.

  - Khí sắc hưng phấn nổi bật.

  - Có ít nhất 1 hay 2 tiêu chuẩn chẩn đoán tâm thần phân liệt, các hoang tưởng ảo giác không phù hợp với cảm xúc. Ví dụ hưng cảm nhưng lại kèm theo hoang tưởng bị hại…

  - Các đợt tái diễn đều rối loạn cảm xúc hưng cảm và có rối loạn phân liệt.

  - Giữa các đợt tái phát bệnh nhân hoàn toàn ổn định.

2.2. Rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm

2.2.1. Lâm sàng

  Một rối loạn mà trong đó các triệu chứng bệnh tâm thần phân liệt và trầm cảm, cả hai đều nổi bật lên trong cùng một giai đoạn của bệnh.

          - Khí sắc trầm thường kèm theo nhiều triệu chứng trầm cảm đặc trưng.

          - Hoạt động bị ức chế: tác phong chậm chạp, lờ đờ.

          - Mất quan tâm thích thú, giảm sút tập trung.

          - Xuất hiện các ý tưởng bị tội và tự sát.

          - Tư duy đồng thời xuất hiện các hoang tưởng bị kiểm tra, cho rằng ý tưởng bị phát thanh, tư duy vang thành tiếng hoặc là hoang tưởng kỳ quái, tự cao.

          - Có thể xuất hiện các ảo thanh bình phẩm, ảo thanh đe doạ…

  Rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm thường ít phong phú hơn loại hưng cảm, nhưng chúng có khuynh hướng kéo dài và tiên lượng ít thuận lợi hơn. Mặc dù đa số bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, một số bệnh nhân có khả năng để lại dị tật phân liệt.

2.2.2. Nguyên tắc chẩn đoán

  - Có giai đoạn trầm cảm nổi bật kèm theo ít nhất 2 triệu chứng trầm cảm đặc trưng.

  - Có ít nhất 1 tiêu chuẩn tâm thần phân liệt điển hình. Các hoang tưởng ảo giác không phù hợp với rối loạn khí sắc.

  - Các đợt tái phát đều là trầm cảm và giữa các đợt tái phát bệnh nhân gần như ổn định hoàn toàn.

2.3. Rối loạn phân liệt cảm xúc loại hỗn hợp

2.3.1. Lâm sàng

  Là rối loạn mà trong đó, các triệu chứng phân liệt và rối loạn cảm xúc hướng cực hỗn hợp trong cùng một giai đoạn của bệnh.

  Bao gồm tâm thần phân liệt chu kỳ, loạn thần phân liệt và cảm xúc hỗn hợp.

2.3.2. Nguyên tắc chẩn đoán

  - Là các giai đoạn các triệu chứng rối loạn cảm xúc hướng cực nổi bật.

  - Kết hợp với ít nhất một triệu chứng phân liệt.

  - Giữa các giai đoạn bệnh nhân thuyên giảm hoàn toàn.

2.4. Chẩn đoán RLPLCX theo DSM-IV-TR(2000)

A. Có một giai đoạn bệnh liên tục, trong đó có một giai đoạn trầm cảm nặng hoặc hưng cảm hay hỗn hợp cùng tồn tại song song với các triệu chứng đáp ứng tiêu chuẩn A của TTPL.

B. trong cùng giai đoạn bệnh, đã có các hoang tưởng hoặc ảo giác trong ít nhất 2 tuần khi không có triệu chứng khí sắc nổi bật.

C. Các triệu chứng đáp ứng tiêu chuẩn của một giai đoạn khí sắc phải hiện diện trong một phần đáng kể của toàn bộ thời gian các giai đoạn toàn phát và di chứng của bệnh.

D. Rối loạn không phải do các tác động sinh lý trực tiếp của một chất  (ví dụ một chất gây nghiện, một loại thuốc men) hoặc của một bệnh nội khoa.

Cần ghi rõ thể bệnh:

Thể lưỡng cực: nếu rối loạn bao gồm một giai đoạn hưng cảm hoặc hỗn hợp (hoặc một giai đoạn hưng cảm hoặc hỗn hợp và các giai đoạn trầm cảm nặng)

Thể trầm cảm: nếu rối loạn chỉ bao gồm các giai đoạn trầm cảm nặng.

3. Tiên lượng

  Rối loạn phân liệt cảm xúc là bệnh loạn thần nội sinh. Về mặt tiến triển thường là theo chu kỳ từng đợt, giữa các đợt tiến triển gần như thuyên giảm hoàn toàn. Với RLPLCX loại hưng cảm thì tiên lượng tốt hơn loại trầm cảm. Các giai đoạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm có khuynh hướng kéo dài lâu hơn và tiên lượng ít thuân lợi hơn.

4. Điều trị

  Đối với giai đoạn tiến triển của bệnh, bệnh nhân cần được nhập viện bắt buộc. Kết hợp các liệu pháp sinh học với liệu pháp tâm lý và tái thích ứng xã hội. Sau điều trị tấn công trong bệnh viện phải tiếp tục điều trị củng cố tại nhà.

4.1. Liệu pháp sinh học

4.1.1. Liệu pháp hoá dược

  - Các thuốc an thần kinh: tác dụng chủ yếu là chống loạn thần. Có thể chọn 1 hoặc kết hợp 2 - 3 thuốc tuỳ từng bệnh nhân cụ thể. Thông thường sử dụng thuốc liều từ thấp đến cao, đến khi có hiệu quả. Liều trung bình:

         Aminazin               25 - 500 mg/ngày

         Halopendol            5 - 25 mg/ngày

         Tisercin                 25 - 300 mg/ngày

         Sulpiride                200 - 800 mg/ngày

         Thiozidazin           50 - 200 mg/ngày

  - Thuốc bình thần: tác dụng chủ yếu là chống lo âu, giảm kích thích và các rối loạn thần kinh thực vật kèm theo lo âu. Liều trung bình:

         Seduxen                5 - 10 mg/ngày

         Tranxen                 10 - 20 mg/ngày

  - Thuốc chống trầm cảm: chỉ định cho bệnh nhân rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm, tác dụng chủ yếu là chống trầm cảm. Liều trung bình:

         Elavil                     75 - 100 mg/ngày

         Stablon                  37,5 mg/ngày

         Prozac                   20 mg/ngày

  - Thuốc điều hoà khí sắc: tác dụng chủ yếu là ổn định khí sắc. Liều thường dùng:

         Tegietol                 200 - 400 mg/ngày

         Depamide              200 - 400 mg/ngày

4.1.2. Liệu pháp sốc điện

  Chỉ định cho những bệnh nhân rối loạn phân liệt cảm xúc loại trầm cảm, nhất là với những bệnh nhân có ý tưởng tự sát.

4.2.Các liệu pháp khác: Liệu pháp  tâm lý; Liệu pháp lao động tái thích ứng như trong điều  trị  TTPL.