Giỏ hàng

RỐI LOẠN DẠNG PHÂN LIỆT VÀ RỐI LOẠN LOẠI PHÂN LIỆT

 

RỐI LOẠN DẠNG PHÂN LIỆT VÀ

RỐI LOẠN LOẠI PHÂN LIỆT

 

  1. Khái niệm.

Theo Tổ chức y tế Thế giới, Rối loạn loại phân liệt (RLLPL) là một rối loạn với các đặc điểm như tác phong kỳ dị, tư duy và cảm xúc bất thường giống như trong bệnh Tâm thần phân liệt (TTPL) nhưng không có những nét quá bất thường và đặc trưng như trong TTPL ở bất cứ giai đoạn nào của bệnh. Không có một rối loạn nào là điển hình, ưu thế hay đặc trưng cho TTPL.

Theo DSM IV- TR, 2000, đây là một rối loạn được đặc trưng bởi sự có mặt của một số triệu chứng xác định cho pha cấp tính của TTPL nhưng trong một giai đoạn bắt buộc phải ngắn hơn 6 tháng. Xuất hiện của tổn thương này liên quan đến chấn thương tâm lý nhưng không bắt buộc phải có. Trong bảng triệu chứng, ảo giác, hoang tưởng, trạng thái rối loạn ý thức, rối loạn hành vi chiếm ưu thế cùng kích động, lo âu và triệu chứng rối loạn cảm xúc. Các triệu chứng cấp tính mất đi trong khoảng 4 - 6 tuần, nếu được điều trị bằng thuốc chống loạn thần, các triệu chứng trên mất đi nhanh hơn rất nhiều, nhưng các triệu chứng di chứng có thể tồn tại trong một thời gian đến 6 tháng. Tiến triển của bệnh theo định nghĩa là rất tốt.

2. Dịch tễ học.

Hiện nay chưa có nhiều số liệu về tỷ lệ mắc và giới tính của RLLPL. Rối loạn thường gặp ở thanh thiếu niên và người ta dự đoán tỷ lệ mắc bằng một nửa bệnh TTPL. Tỷ lệ mắc bệnh tính theo cuộc đời là 0,2%.

Nhiều nghiên cứu cho thấy thân nhân của bệnh nhân có nguy cơ cao về các bệnh rối loạn tâm thần khác song phân bố không giống như ở TTPL và rối loạn cảm xúc (RLCX). Ví dụ thân nhân của bệnh nhân bị RLDPL bị rối loạn khí sắc nhiều hơn thân nhân bệnh nhân TTPL, còn thân nhân của bệnh nhân bị RLCX lưỡng cực ít bị RLCX có loạn thần hơn là thân nhân của bệnh nhân RLDPL.

3. Bệnh nguyên.

Bênh nguyên và bệnh sinh chưa rõ. Langfeldt nhận thấy nhóm các bệnh nhân này tạo một quần thể không đồng nhất, một số có các cứ liệu giống TTPL, trong khi đó một số khác lại giống RLCX.

Hình thể chức năng não: Một số thiếu sót hoạt hoá tương đối ở vùng trước trán dưới giống như ở bệnh nhân tâm thần phân liệt đã được nhận thấy ở bệnh nhân Rối loạn dạng phân liệt (RLDPL). Một nghiên cứu nhận thấy thiếu sót giới hạn ở bán cầu trái và ngoài ra còn có sự rối loạn trong ức chế hoạt động thể vằn cũng giới hạn ở bán cầu trái khi thực hiện nghiệm pháp hoạt hoá. Điều này cho thấy có sự tương đồng về sinh lý giữa hai bệnh lý kể trên.

Mặc dù mọt số dữ liệu cho thấy bệnh nhân RLDPL có thể có các não thất  bị dãn rộng được xác định trên CT và MRI, các dữ liệu khác cho thấy không giống sự dãn rộng trong TTPL, sự dãn não thất trong RLDPL không liên quan đến các đo lường kết quả hoặc đo lường sinh học khác.

Các đo lường sinh học khác: Có ít nhất một nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt về hoạt động điện da giữa TTPL và RLDPL. Bệnh nhân TTPL sinh vào những tháng mùa đông và mùa xuân có sự dẫn truyền da giảm đáp ứng nhưng không có kết hợp này ở bệnh nhân RPDPL. Điều này gợi ý cần thận trọng khi cho rằng có sự tương đồng  giưa hai bệnh lý trên. Ngoài ra còn có ít nhất một nghiên cứu về theo dõi bằng mắt (eye tracking) trong hai nhóm cũng cho thấy chúng có thể khác nhau ở một số đo lường sinh học.

4. Đặc điểm lâm sàng:

Các triệu chứng lâm sàng và khám tâm thần ở bệnh nhân RLDPL giống như ở bệnh nhân TTPL, nhưng sự hiện diện của các triệu chứng cảm xúc có thể tiên đoán một tiến triển tốt. Bên cạnh đó một cảm xúc cùn mòn hoặc phẳng lặng có thể tiên đoán một tiên lượng không thuận lợi.

5. Chẩn đoán

5.1 Theo DSM-IV-TR, chẩn đoán xác định RLDPL dựa vào các tiêu chuẩn sau:

A. Đáp ứng các tiêu chuẩn A, D và E của TTPL

  1. Một giai đoạn của rối loạn (bao gồm các giai đoạn tiền triệu, toàn phát và di chứng) kéo dài ít nhất 1 tháng nhưng ít hơn 6 tháng. Khi chẩn đoán phải được đặt ra mà không chờ bệnh nhân hồi phục thì chẩn đoán nên được xem như “tạm thời”.

Ghi rõ nếu:

Không có các nét tiên lượng tốt.

Có các nét tiên lượng tốt: được chứng tỏ bởi hai (hoặc nhiều hơn) các triệu chứng sau:

1. Khởi phát các triệu chứng loạn thần nổi bật tron vòng 4 tuần từ khi có sự thay đổi đầu tiên được nhận thấy trong hành vi hoặc hoạt động thường ngày.

2. Có lú lẫn tâm thần hoặc bối rối ở đỉnh điểm của giai đoạn loạn thần.

3. Hoạt động xã hội và nghề nghiệp trước bệnh tốt.

4. Không có cảm xúc cùn mòn hoặc phẳng lặng.

5.2. Theo ICD-10, F:

Rối loạn loại phân liệt (Schizotypal disrorer) là một rối loạn với các đặc điểm như tác phong kỳ dị, tư duy và cảm xúc bất thường giống như trong bệnh TTPL nhưng không có những nét quá bất thường và đặc trưng như trong TTPL ở bất cứ giai đoạn nào của bệnh. Không có một rối loạn nào là điển hình, ưu thế hay đặc trưng cho TTPL. Nhưng bất cứ rối loạn nào được liệt kê dưới đây cũng có thể có và giúp cho chẩn đoán bệnh:

1. Cảm xúc hời hợt hay không thích hợp, người bệnh có vẻ lạnh lùng và cách biệt.

2. Tác phong, hình dáng bề ngoài lạ lùng, kỳ dị hay có vẻ đặc biệt.

3. Ít tiếp xúc với người khác và có khuynh hướng xa cách xã hội.

4. Tin tưởng kỳ dị hay tư duy thần bí gây ảnh hưởng đến tác phong và mâu thuẫn với tập quán văn hoá.

5. Hoài nghi hay ý tưởng Paranoid.

6. Các nghiền ngẫm ám ảnh không có tự phê phán nội tâm, thường có nội dung sợ dị hình, tình dục hay xam phạm.

7. Những nhận cảm tri giác bất thường bao gồm các ảo tưởng về cơ thể- giác quan hay các ảo tưởng khác, giải thể nhân cách, tri giác sai thực tại.

8. Tư duy và lời nói mơ hồ, chi ly, ẩn dụ, quá chải chuốt hay định hình, kỳ dị nhưng không quá rời rạc.

9. Có những giai đoạn gần như loạn thần, thỉnh thoảng xuất hiện nhất thời với các ảo tưởng, ảo thanh hay các ảo giác khác, tất cả đều mãnh liệt kèm theo các ý tưởng giống hoang tưởng thường xuất hiện không do kích thích bên ngoài.

 Các rối loạn tiến triển mạn tính, với cường độ khi tăng khi giảm. Thỉnh thoảng lại chuyển sang bệnh tâm thần phân liệt rõ rệt. Không có thời kỳ khởi đầu rõ ràng và thường tiến triển như một rối loạn nhân cách. Rối loạn thường gặp hơn ở những người có quan hệ huyết thống với bênh nhân TTPL.

Nguyên tắc chỉ đạo chẩn đoán.

Phải có it nhất 3 hoặc 4 trong 9 điểm nêu trên, biểu hiện thường xuyên hay từng thời kỳ, thời gian theo dõi ít nhất hai năm.

- Bệnh nhân chưa bao giờ được chẩn đoán là TTPL.

- Trong tiền sử gia đình có một người thân thưộc trực hệ bị bệnh TTPL làm gia tăng giá trị của chẩn đoán song không phải là điều kiện tiên quyết.

- Ngoài ra, TCYTTG khuyên không nên sử dụng rộng rãi chẩn đoán này vì nó không có ranh giới rõ ràng với TTPL thể giản đơn, rối loạn nhân cách dạng phân liệt hoặc TTPL thể Paranoid.

6. Chẩn đoán phân biệt:

Chẩn đoán phân biệt của RLDPL cũng giống như chẩn đoán phân biệt của TTPL. Cần loại trừ rối loạn loạn thần do một bệnh cơ thể và rối loạn loạn thần do chất. Một bệnh cơ thể cần được xem xét là nhiễm HIV. Động kinh thuỳ thái dương, u não và các bệnh mạch máu não cũng có thể kết hợp với các giai đoạn loạn thần tương đối ngắn. Sự gia tăng các trường hợp loạn thần kết hợp với việc sử dụng các steroids đồng hoá ở những người trẻ muốn phát triển hệ thống cơ bắp nhằm đạt các thành tích thể thao cũng cần được lưu ý.

- Cần phân biệt với loạn thần cấp và nhất thời, loạn tâm thần cảm ứng (điên tay đôi), rối loạn nhân cách dạng phân liệt, hội chứng Asperger.

- Theo TCYTTG, các khái niệm tương tự với RLLPL bao gồm:

TTPL ranh giới, TTPL tiềm tàng, Phản ứng phân liệt tiềm tàng, TTPL tiền loạn thần, TTPL tiền chứng, TTPL giả tâm căn, TTPL giả nhân cách bệnh.

7.Tiến triển và tiên lượng.

Tiên lượng thay đổi tuỳ theo bệnh nhân có hoặc không có các biểu hiện của tiên lượng tốt. Rối loạn tâm thần và bối rối ở đỉnh điểm của giai đoạn loạn thần là đặc điểm có liên quan nhất đến tiên lượng tốt. Ngoài ra, giai đoạn bệnh càng ngắn thì tiên lượng càng tốt. Có nguy cơ rõ rệt về tự sát ở bệnh nhân RLDPL. Những bệnh nhân này thường có giai đoạn trầm cảm sau loạn thần và liệu pháp tâm lý có thể giúp cải thiện tiên lượng cũng như đẩy nhanh sự phục hồi.

Về tiến triển lâu dài của RLDPL, hầu hết các đánh giá cho thấy 60-80% bệnh nhân tiến triển thành TTPL, số 20-40% còn lại hiện chưa rõ. Một số sẽ bị tái phát lần thứ hai hoặc thứ ba với khuynh hướng tiến triển mạn tính thành TTPL. Tuy nhiên, một số bệnh nhân chỉ có một giai đoạn bệnh duy nhất trong suốt cuộc đời và đây là tiên lượng tốt nhất của rối loạn này.

  1. Điều trị.

Với pha cấp tính, điều trị tiến hành trong bệnh viện. Cần điều trị bằng thuốc chống loạn thần trong suốt thời gian của bệnh. Không cần điều trị duy trì. Cần phải theo dõi bệnh nhân trong một thời gian dài để phân biệt xem triệu chứng trên là của bệnh rối loạn dạng phân liệt hay là của pha khởi phát của bệnh TTPL mà thời gian của bệnh mới được chưa đầy 6 tháng. Với các trường hợp khác, nếu cần thiết để đánh giá, cững cần cho nhập viện để điều trị và giám sát hành vi của bệnh nhân. Các triệu chứng loạn thần thường được điều trị trong 3-6 tháng với các thuốc chống loạn thần (như risperidone). Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân RLDPL đáp ứng với thốc chống loạn thần nhanh hơn nhiều so với bệnh nhân TTPL. Trong một nghiên cứu, khoảng 75% bệnh nhân RLDPL và chỉ có 20% bệnh nhân TTPL đáp ứng với thuốc chống loạn thần trong vòng 8 ngày. Lithium, carbamazepine hoặc valproate có thể được dùng để điều trị và phòng ngừa nếu bệnh nhân có giai đoạn tái diễn. Choáng điện có thể được chỉ định cho một số bệnh nhân, đặc biệt các bệnh nhân có các triệu chứng căng trương lực hoặc trầm cảm rõ rệt.