Giỏ hàng

RỐI LOẠN TÂM THẦN TRONG NHIỄM ĐỘC

Rối loạn tâm thần trong nhiễm độc

(mental disorder due to toxicosis)

1. Đặc điểm chung

Các chất độc thâm nhập vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau, tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây ra tổn thương thần kinh và các rối loạn tâm thần rất đa dạng, cấp tính hoặc kéo dài.

Các triệu chứng rối loạn tâm thần phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như loại chất độc, liều lượng, thời gian, mức độ nhiễm độc, các yếu tố mang tính cá thể như nhân cách, thể trạng, sức đề kháng, ...

Nhiễm độc cấp tính thường xuất hiện đột ngột với các triệu chứng rối loạn ý thức, mất định hướng, rối loạn tri giác và tư duy, rối loạn trí nhớ và cảm xúc, ...

Nhiễm độc mạn tính thường diễn ra từ từ, làm giảm sút tiệm tiến trí nhớ, trí năng, biến đổi nhân cách và sa sút trí tuệ.

Rối loạn tâm thần do nhiễm độc có xu hướng ngày càng gia tăng do sự phát triển của nền công nghiệp hoá, do sử dụng rộng rãi các hoá chất trong nông nghiệp như phân bón, thuốc diệt côn trùng, diệt chuột, do sử dụng nhiều hoá chất trong đời sống, trong sinh hoạt, trong chữa bệnh, trong ăn uống, ...

Rối loạn tâm thần do nhiễm độc khi sử dụng các hoá dược với các mục đích khác nhau ngoài việc chữa bệnh hoặc do sử dụng nhầm thuốc với các liều lượng không thích hợp.

Nhiễm độc do tiếp xúc với các hoá chất trong hoạt động nghề nghiệp thường gặp là nhiễm độc các kim loại nặng (nhiễm độc chì ở công nhân xăng dầu), nhiễm độc các loại khí độc như CO, CO2, nhiễm độc các hoá chất dùng trong nông nghiệp để diệt chuột, diệt côn trùng như wolfatox, sulfua kẽm, ... cũng đều có thể gây rối loạn tâm thần.

Ngoài ra người ta còn liệt kê vào nhóm rối loạn này cả các loại rối loạn tâm thần do sử dụng rượu (nghiện rượu mạn tính, rối loạn tâm thần do rượu), do sử dụng các chất ma tuý (stupefacients), do sử dụng các thuốc hướng tâm thần với các mục đích khác nhau. Trong bảng phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10 (ICD-10), người ta tách nhóm các rối loạn này thành một mục riêng và gọi là "các rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất tác động tâm thần" (mục F10-F19). Một số tác giả khác tách nhóm các rối loạn này ra và gọi là "hội chứng phụ thuộc các chất tác động tâm thần" (dependence syndrome on psychoactive substances).

2.  Rối loạn tâm thần do nhiễm độc hoá dược.

2.1. Rối loạn tâm thần do nhiễm độc hoá dược chung.

Việc sử dụng hoá dược để điều trị các loại bệnh khác nhau trong Y học, trên cơ sở áp dụng các tiến bộ khoa học của nhân loại, đã đem lại những hiệu quả rất to lớn. Tất cả những loại hoá dược khi được sử dụng với các liều lượng thích hợp có tác dụng chữa bệnh. Nếu sử dụng hoá dược không thận trọng thì có thể gây ra trạng thái nhiễm độc cấp tính hoặc mạn tính, thường gặp là trạng thái nhiễm độc cấp tính, rất đa dạng. Mỗi trạng thái nhiễm độc có biểu hiện rối loạn tâm thần và cơ thể khác nhau.

Trong nhiễm độc cấp tính mức độ nặng, rối loạn ý thức bị loại trừ xen kẽ với rối loạn ý thức bị mù mờ. Thường gặp trạng thái mù mờ ý thức hoàng hôn hoặc mê sảng ở giai đoạn trước và sau hôn mê. Các trạng thái bệnh lý này thường kèm theo với các biểu hiện rối loạn tâm thần khác như trạng thái bồn chồn, đứng ngồi không yên, kích động vận động dữ dội, khí sắc căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, có các ảo giác và hoang tưởng đa dạng, chú ý giảm sút hay đãng trí, giảm trí nhớ, hay quên.

Đôi khi cũng gặp trạng thái nhiễm độc mạn tính do quá trình dùng thuốc kéo dài, do sự kém thích ứng của cơ thể, do khả năng dung nạp và tích luỹ thuốc cao. Ngoài các rối loạn về cơ thể, người ta có thể gặp các rối loạn tâm thần. Biểu hiện rõ nét nhất là trạng thái suy nhược thần kinh, trầm cảm nhẹ hoặc hưng phấn nhẹ tuỳ thuộc vào từng loại hoá dược khác nhau. Có thể gặp thay đổi nhân cách, thay đổi tính nết. Cảm xúc dễ bị kích thích, hay xúc động. Có thể xuất hiện các hoang tưởng hoặc ảo giác phù hợp với trạng thái cảm xúc của người bệnh. Chú ý và trí nhớ đều giảm làm cho người bệnh hay đãng trí và hay quên do quá trình ghi nhận kém.

2.2. Rối loạn tâm thần do nhiễm độc các hoá dược sử dụng trong lâm sàng tâm thần.

Các hoá dược sử dụng trong lâm sàng tâm thần gọi là thuốc hướng tâm thần. Các thuốc này được phân chia thành những nhóm khác nhau như thuốc trấn tĩnh (neuroleptic), thuốc an tĩnh (tranquillisants), thuốc ngủ nhóm barbituric, thuốc giải ức chế tâm thần (anapsycholeptic) và thuốc gây loạn thần (dyspsycholeptic). Ngoài ra người ta còn liệt kê vào nhóm thuốc hướng tâm thần cả các thuốc gây mê (narcotic). Khi sử dụng các loại thuốc trên cần chú ý đến 2 tác dụng không mong muốn đó là nhiễm độc thuốc và nghiện thuốc (drug addiction).

2.2.1. Nhiễm độc thuốc.

Nhiễm độc thuốc bao gồm 2 trạng thái: nhiễm độc cấp tính và nhiễm độc từ từ.

Nhiễm độc thuốc cấp tính thường gặp ở người bệnh sử dụng ngoài mục đích điều trị. Có thể do sử dụng nhầm thuốc, nhầm hàm lượng thuốc, đường vào không thích hợp gây ra trạng thái nhiễm độc cấp. Trong thực tế cũng có thể gặp nhiễm độc cấp tính do người bệnh có ý định tự sát bằng thuốc.

Trường hợp nhẹ: có thể thấy người bệnh ngủ sâu, không có biểu hiện rối loạn hô hấp và tim mạch, phản xạ gân xương có thể giảm, đôi khi bồn chồn, vật vã.

Trường hợp nặng: bệnh nhân ngủ rất sâu, bán hôn mê hoặc hôn mê. Rối loạn nhịp thở, mạch nhanh, huyết áp giảm, đồng tử co nhỏ, mất các phản xạ gân xương, mất phản xạ đồng tử, rối loạn cơ vòng, rối loạn nước- điện giải, rối loạn thân nhiệt và có thể dẫn đến tử vong.

Nhiễm độc thuốc kéo dài thường xuất hiện từ từ sau một thời gian dùng thuốc. Thời gian dài hay ngắn tuỳ thuộc vào liều thuốc, đường vào, khả năng dung nạp thuốc, khả năng thích ứng của cơ thể, số lần dùng thuốc, cách dùng thuốc phối hợp hay không phối hợp, ... Nhiều tác giả cho rằng nhiễm độc kéo dài là do sự tích luỹ thuốc của cơ thể, do bệnh nhân có bệnh thực tổn kèm theo, khả năng thải trừ kém.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là trạng thái bồn chồn, đứng ngồi không yên, hội chứng Parkinson do thuốc, rối loạn vận động, đi lại nhiều, thậm chí có những cơn kích động ngắn trong trong phạm vi hẹp. Đi lại loạng choạng dễ ngã, vẻ mặt đờ đẫn, cảm xúc căng thẳng dễ xúc động hay khóc. Sức chú ý giảm, trí nhớ giảm, đôi khi có trầm cảm và lo âu nhưng không điển hình, kèm theo các rối loạn cơ thể ở các mức độ khác nhau như mạch nhanh, huyết áp dao động, thân nhiệt tăng, rối loạn nước và điện giải, ăn uống kém, ...

2.2.2. Phụ thuộc thuốc.

Các loại thuốc hướng tâm thần hay gây nghiện đó là các bacbituric tác dụng nhanh, các thuốc kích thích giải ức chế tâm thần (amphetamin, maxiton, cafein, ...); Các thuốc an tĩnh loại tranquillisants (seduxen, meprobamat, valium, ...); Các thuốc gây loạn thần (LSD25, mescalin gây ảo giác, ...).

Trước đây người ta chỉ dừng lại ở khái niệm quen thuốc hay phụ thuộc tâm lí, nhưng hiện nay người ta thấy rằng khi ngừng thuốc đột ngột thấy xuất hiện hội chứng cai với các mức độ khác nhau tuỳ từng loại thuốc. Như vậy là các loại thuốc này có gây nghiện (trạng thái phụ thuộc thực tổn).

Biểu hiện của hội chứng cai khá rõ rệt. Sau khi cắt thuốc 24-36 giờ, xuất hiện các triệu chứng: mệt mỏi, bồn chồn, run, lo âu, mất ngủ, tăng huyết áp khi nằm nhưng lại giảm huyết áp khi đứng dậy đột ngột, có các cơn co giật toàn thân dạng động kinh và kèm theo các rối loạn tâm thần đa dạng khác. Thời gian của hội chứng cai kéo dài 7-10 ngày hoặc vài tuần.

Điều trị chủ yếu là xử trí các triệu chứng, nâng đỡ thể trạng và tâm lí liệu pháp.

3. Rối loạn tâm thần do nhiễm độc các hoá chất dùng trong công nghiệp và nông nghiệp.

Nhiễm độc các hoá chất sử dụng trong công nghiệp và nông nghiệp bao gồm 2 trạng thái bệnh lý nhiễm độc cấp tính và nhiễm độc mạn tính.

Trạng thái nhiễm độc cấp tính thường do vô tình hay hữu ý sử dụng thái quá các chất có hại cho cơ thể như nhiễm độc cấp khí CO ở người làm nghề đốt lò (lò gạch ngói, sành sứ, lò nung vôi, lò thuỷ tinh, lò luyện sắt thép, ...). Nhiễm độc cấp tetraetyl chì ở công nhân cọ rửa bể xăng dầu. Nhiễm độc cấp wolfatox do tiếp xúc không có phương tiện bảo vệ. Trạng thái nhiễm độc cấp tính gây ra rối loạn thực tổn nghiêm trọng, đe doạ tính mạng người bệnh nhiều hơn là các biểu hiện rối loạn tâm thần.

Trạng thái nhiễm độc mạn tính thường gặp hơn cả là do nghề nghiệp phải tiếp xúc thường xuyên với các chất có hại cho cơ thể hàng ngày. Tuy liều lượng chất độc vào cơ thể không lớn nhưng kéo dài, gây tích luỹ dần dần và tổn thương nhiều nội tạng trong cơ thể, trong đó có hệ thần kinh trung ương, kéo theo các triệu chứng rối loạn thần kinh và tâm thần đa dạng.

3.1. Các rối loạn tâm thần do nhiễm độc kim loại nặng.

3.1.1.  Nhiễm độc chì.

Chì là vật liệu được dùng trong nhiều ngành công nghiệp ở nước ta, do đó nhiễm độc chì thường gặp nhất ở công nhân xăng dầu, công nhân đúc chữ và xếp chữ ở các xưởng in, công nhân sửa chữa bình ắc qui, ... Nhiễm độc chì thường qua đường hô hấp (do bụi chì), đường tiêu hoá (do tay dính chì đưa vào miệng khi ăn uống).

 Nhiễm độc chì cấp tính có các triệu chứng: mê sảng, ảo thị giác, hoang tưởng với nội dung bị đầu độc, bị truy hại.

Trong giai đoạn đầu của nhiễm độc chì mạn tính có biểu hiện hội chứng giống suy nhược thần kinh và sau đó xuất hiện hội chứng trầm cảm hoặc vô cảm, rối loạn trí nhớ nghiêm trọng, giảm sút chú ý. Đôi khi gặp các bệnh nhân tiến triển nặng dẫn đến sa sút trí tuệ.

Đồng thời với rối loạn tâm thần, ở các bệnh nhân này còn có những rối loạn thực tổn nặng nề ở nhiều nội tạng như suy thận, suy gan do nhiễm độc chì, viêm da, viêm quanh răng, viên đa dây thần kinh, teo cơ, liệt các chi, ức chế tuỷ xương hoặc suy giảm tuỷ xương, ...

Đến giai đoạn cuối rất khó phân biệt giữa nguyên nhân và kết quả của rối loạn tâm thần và rối loạn thực tổn. ở giai đoạn này các triệu chứng rối loạn tâm thần và rối loạn thực tổn đều nặng nề, chúng hỗ trợ và chuyển hoá lẫn nhau làm cho cả 2 nhóm triệu chứng cùng trầm trọng và cuối cùng là bệnh nhân tử vong.

3.1.2.  Nhiễm độc thuỷ ngân.

 Nhiễm độc thuỷ ngân là bệnh nghề nghiệp do phải tiếp xúc với thuỷ ngân ở những công nhân sản xuất y cụ (sản xuất nhiệt kế, huyết áp kế), làm nghề mạ vàng, mạ bạc, trong các labo có thuỷ ngân, những người sử dụng các khoáng chất có thuỷ ngân để làm thuốc không đúng liều ... Biểu hiện sớm nhất do nhiễm độc thuỷ ngân là triệu chứng run (run mi mắt, run môi, run lưỡi, run ngón chân, ngón tay, ...) ngày càng tăng, đi lại loạng choạng, nói năng khó khăn và yếu cơ. Trạng thái tâm thần dễ bị kích thích, dễ xúc động, hay khóc, mất ngủ dai dẳng và có nhiều ác mộng. Làm việc dễ chán nản, nhút nhát thiếu tự tin, đôi khi lo lắng và sợ hãi hoặc bùng nổ giận dữ. Một số trường hợp khác thì lờ đờ, vô cảm, mất tự chủ trong hành vi, giảm trí nhớ rõ rệt. Bệnh tiến triển nặng thì các rối loạn thực tổn càng rõ ràng. Các tổn thương gan, thận và ống tiêu hoá là những nguy cơ dẫn đến tử vong.

3.2. Các rối loạn tâm thần do nhiễm độc các hoá chất diệt côn trùng.

Hiện nay nhiễm độc các hoá chất diệt côn trùng và phân bón sử dụng trong nông nghiệp là vấn đề tương đối phổ biến. Các loại hoá chất này thường là lân hữu cơ.

3.2.1. Nhiễm độc cấp tính có diễn biến rất nghiêm trọng.

 + Giai đoạn đầu:

Bệnh nhân mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, tăng tiết nước bọt, buồn nôn và nôn, ỉa chảy, khó thở, đồng tử co nhỏ, mạch nhanh, huyết áp có thể tăng cao.

+ Giai đoạn sau:

Nhiễm độc tiến triển nặng lên rất nhanh do nồng độ enzym cholinesteraza trong máu giảm đột ngột. Người bệnh run các thớ sợi cơ, mất điều chỉnh thăng bằng. ý thức rối loạn từ mê sảng, sau nhanh chóng chuyển sang hôn mê. Khó thở nặng do phù phổi cấp. Nguy cơ tử vong cao.

3.2.2. Nhiễm độc mạn tính.

Nhiễm độc mạn tính các hoá chất diệt côn trùng và phân bón thường xảy ra do người bệnh tiếp xúc thường xuyên với chất độc do nghề nghiệp và việc phòng hộ lao động không bảo đảm.                              

Sau mỗi lần tiếp xúc với hoá chất độc người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt và buồn nôn. Các triệu chứng này qua đi nhanh do bệnh nhân ngừng tiếp xúc với hoá chất độc. Cứ nhiều lần tiếp xúc như vậy bệnh nhân sẽ có biểu hiện rối loạn thần kinh và tâm thần cùng với các rối loạn thực tổn tiến triển ngày càng trầm trọng dần.

Sau mỗi lần tiếp xúc với hoá chất độc, người bệnh có các biểu hiện giống như giai đoạn đầu của nhiễm độc cấp tính. Các triệu chứng giống suy nhược thần kinh và suy nhược cơ thể xuất hiện ở những lần tiếp xúc sau kéo dài hơn lần tiếp xúc trước, một số triệu chứng chỉ thuyên giảm chứ không mất hoàn toàn khi đã ngừng tiếp xúc với hoá chất độc.

3.2.2.1. Các tổn thương gan, thận.

Các tổn thương gan thận thường rất chậm chạp nhưng cuối cùng vẫn dẫn đến suy chức năng các cơ quan này. Các dòng tế bào máu đều giảm do suy nhược, ức chế tuỷ xương. Nhiều trường hợp dẫn đến suy tuỷ không hồi phục làm cho triệu chứng của bệnh ngày càng phức tạp hơn.

3.2.2.2. Tổn thương hệ thần kinh trung ương.

 Xuất hiện các triệu chứng khá đa dạng như tổn thương dây thần kinh ngoại vi, tổn thương các nhân xám dưới vỏ và thoái hoá ở vỏ não. Các biểu hiện rối loạn tâm thần ngày càng rõ ràng đồng thời với những rối loạn thực tổn khác. Rối loạn cảm xúc xuất hiện sớm nhất và tồn tại trong suốt thời gian bị bệnh. Các rối loạn trầm cảm và lo âu rất dai dẳng. Có thể gặp ảo thị giác hoặc ảo thính giác thật. Đôi khi gặp cả ảo xúc giác và ảo khứu giác. Tuy vậy chúng chỉ tồn tại nhất thời và dễ thay đổi. Hoang tưởng bị đầu độc, bị truy hại cũng xuất hiện thường xuyên cùng với sự giảm sút chú ý và giảm sút trí nhớ ở các mức độ khác nhau và không đồng nhất. Nguy cơ tử vong do rối loạn thực tổn khá cao và tiển triển nhanh nên ít thấy các trường hợp tiến triển đến sa sút trí tuệ.

Ngoài ra, trong đời sống hàng ngày người ta còn lưu ý đến các rối loạn tâm thần do nhiễm độc thực phẩm như ăn phải nấm độc, sắn độc, thịt cóc, ... và một số thảo mộc như hạt mã tiền, ...