Giỏ hàng

CHẬM PHÁT TRIỂN TÂM THẦN

TỔNG QUAN VỀ CHẬM PHÁT TRIỂN TÂM THẦN

Chậm phát triển tâm thần (CPTTT) là một  nhóm  bệnh  lí  có  biểu  hiện  sự  sa sút tâm thần bẩm sinh hay  mắc  phải  trong  những năm  đầu thời  kỳ thơ ấu.  Trước đây bệnh còn được gọi là thiểu năng tâm thần. CPTTT được đặc trưng bằng các triệu chứng về kĩ năng trong thời kì phát triển: các khả năng nhận thức, ngôn ngữ, vận động và thích ứng xã hội.

CPTTT không phải là một bệnh mà là một trạng thái rối loạn của một bệnh nào đó để lại sự thiếu sót trong các hoạt động trí tuệ và khả năng thích ứng. CPTTT có thể kèm theo một rối loạn cơ thể hoặc một rối loạn tâm thần khác. Những bệnh nhân CPTTT có thể bị tất cả các rối loạn tâm thần và tỷ lệ này tăng gấp 3-4 lần trong cộng đồng.

NGUYÊN NHÂN CỦA CHẬM PHÁT TRIỂN TÂM THẦN

Một số trường hợp CPTTT có thể tìm thấy nguyên nhân rõ ràng như bệnh Down, bệnh não bẩm sinh, bệnh chuyển hóa. Tuy nhiên đa số các trường hợp lại không tìm được nguyên nhân hoặc là không chắc chắn.

Một số nguyên nhân được kể đến như sau:

Trước thời kỳ mang thai

- Các yếu tố di truyền: đơn yếu tố, đa yếu tố, các bất thường về gen và nhiễm sắc thể.

- Các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khoẻ của cha mẹ.

Trong khi mang thai

- Nhiễm khuẩn, nhiễm độc, tác động của các tia vật lí, hoá chất, các yếu tố cơ học.

- Rối loạn nội tiết ở người mẹ: đái đường, bệnh tuyến giáp.

- Không phù hợp nhóm máu: yếu tố Rh.

- Tổn thương ở nhau thai và các yếu tố khác gây thiếu oxy cho thai nhi.

Trong khi sinh

- Đẻ thiếu tháng, thai ngạt, thiếu vitamin K.

- Các chấn thương sản khoa.

Sau khi sinh

- Nhiễm khuẩn: viêm não, viêm màng não, các bệnh nhiễm khuẩn khác ảnh hưởng đến não.

- Thiếu dinh dưỡng, vitamin và các yếu tố vi lượng.

- Chấn thương sọ não.

- Các rối loạn nội tiết, chuyển hoá ảnh hưởng tới não.

- Các bất thường của hộp sọ ảnh hưởng đến phát triển của não và lưu thông của dịch não tủy.

- Các bệnh lí ảnh hưởng tới não.

- Tính phản ứng của cơ thể.

- Thiếu sót giác quan (mù, câm, điếc...).

- Thiếu các kích thích tâm lí-xã hội và  thiếu các điều kiện chăm sóc giáo dục.

Các nguyên nhân đặc biệt

Bệnh phenylcetone niệu:

Bệnh phenylcetone niệu còn gọi là bệnh Folling do thiếu chất phenylalanine oxydase là một enzyme chuyển hoá phenylalanine thành tyrosine. Vì vậy phenylalanine tăng trong máu và axit phenylpyruvic tăng trong nước tiểu.

Bệnh biểu hiện bằng các triệu chứng:  nôn, nước  tiểu có mùi hôi bất thường, cơn co giật, giảm sắc tố ở tóc, da, tăng  trương lực cơ, rối loạn tác  phong, CPTTT mức độ trung bình đến nghiêm trọng.

Hội chứng Down (trisomie XXI):

Hội chứng Down thường gặp, chiếm tỷ lệ 1/600 -1/700 lần sinh, có những biểu hiện bất thường về cơ thể và chậm phát triển về  tâm  thần, vận  động, ngôn ngữ, trí tuệ.Mức độ CPTTT thường là từ trung bình đến nghiêm trọng. IQ thường dưới 50, vì vậy những đứa trẻ này cần được giáo dục ở các trường đặc biệt.

ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG CHẬM PHÁT TRIỂN TÂM THẦN

Đặc điểm chung của chậm phát triển tâm thần là toàn bộ sự phát triển của tâm thần nói chung đều bị ảnh hưởng nhưng nôi bật lên là hoạt động trí tuệ bị trì trệ, kém hoặc không phát triển. Chậm phát triển tâm thần nói chung là một trạng thái bệnh lý khả ổn định, là hậu quả của nhiều quá trình bệnh lý khác nhau nhưng nhìn chung không mang tính chất tiến triển.

Những chia sẻ về tình trạng chậm phát triển trí tuệ ở trẻ

Đa số các trường hợp CPTTT đều biểu hiện rất sớm, nhất là ở các mức độ nặng. Trẻ chậm phát triển tâm thần trong mọi lĩnh vực hoạt động tâm thần kể từ khi sinh ra. Thường gặp trẻ phát triển chậm hơn về ngôn ngữ, sự thích thu quan tâm với các kích thích từ môi trường, khả năng tập trung chú ý, tốc độ phản ứng,… so với phát triển về vận động.

Trẻ chậm phát triển tâm thần thường được phát hiện ở tuổi mẫu giáo và nhất là tuổi đi học, trẻ dễ bộc lộ sự yếu kém trong các mặt hoạt động tâm thần. Trẻ gặp khó khăn trong quá trình học tập và có những biểu hiện bất thường về hành vi. Trẻ chậm phát triển tâm thần có thể có một số biểu hiện như sau:

  • Chậm phát triển vận động: Trẻ chậm biết lật, ngồi, bò và đi đứng
  • Chậm biết nói hoặc khó khăn khi nói
  • Khó nhớ được các sự việc
  • Kém hiểu biết về các quy luật xã hội căn bản
  • Không ý thức được hậu quả về các hành vi của mình
  • Khó khăn khi tự phục vụ những nhu cầu cơ bản như: Tự ăn uống, vệ sinh cá nhân.
  • Khó khăn trong suy nghĩ hợp tình hợp lý
  • Quá năng động, kém tập trung, hung dữ, chống đối, tự gây thương tích cơ thể.
  • Tâm trạng lo âu, trầm cảm
  • Rối loạn giấc ngủ

Trẻ cũng có thể bị động kinh hoặc có một vài vấn đề tâm thần, hành vi bất bình thường. Trẻ có thể rơi vào tâm trạng buồn phiền, chán nản nếu bị bạn học xa lánh hoặc cảm thấy bị mọi người coi thường. Nhiều trẻ có thể những hành động phá phách, hung bạo, không tự chủ được trước một bất bình nhỏ. Điều này xảy ra là do là trẻ không thể học cách hành xử, suy luận như trẻ bình thường.