Giỏ hàng

Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh là gì?
Bệnh trầm cảm sau sinh là trầm cảm xuất hiện sau khi sinh đẻ ở người phụ nữ nhất là trong 3 tuần đầu sau sinh. Tâm lý phụ nữ sau sinh thường bị ảnh hưởng cùng với các tác động bên ngoài gây nên bệnh trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh là một chứng bệnh có thể gặp ở tất cả các phụ nữ sau khi sinh đẻ không chỉ gặp ở lần đầu mang thai mà có thể gặp ở bất kì thời điểm nào, lần mang thai nào. 
Hầu hết phụ nữ sau sinh đều có rối loạn khí sắc, triệu chứng này có thể thoáng qua và tương đối nhẹ, tuy nhiên một số bị rối loạn dai dẳng kéo dài dần dần dẫn đến trầm cảm, ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và con do hành vi tự sát do bệnh trầm cảm gây nên. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị trầm cảm sau sinh là vô cùng quan trọng tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Thực trạng về trầm cảm sau sinh
Trên thế giới có trên 300 triệu người bị trầm cảm, ước tính khoảng 13% phụ nữ bị trầm cảm sau nhiều tháng đầu sau sinh.

Năm 2001 Andrea Yates  đã khiến toàn nước Mỹ rung động khi tự tay sát hại 5 đứa con của mình, đứa nhỏ nhất có 6 tháng tuổi. Nguyên nhân được xác định sau đó là cô ấy bị mắc chứng trầm cảm sau sinh. Ở Việt Nam vào năm 2014 một bà mẹ đã tự vẫn sau khi sát hại đứa con 4 tháng tuổi do mắc chứng trầm cảm sau sinh.

Ở những phụ nữ đã từng mắc bệnh trầm cảm sau sinh, nguy cơ tái phát ở lần sinh tiếp theo là 50%. Người có tiền sử trầm cảm ngoài thai kỳ, nguy cơ trầm cảm sau sinh 25%. Nếu trong thời kỳ mang thai mắc trầm cảm mà ngưng thuốc sớm, 68% tái phát trầm cảm sau sinh, nếu tiếp tục dùng thuốc thì 25% tái phát trầm cảm sau sinh; 41.2% người bệnh trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự sát.

Nguyên nhân của bệnh Trầm cảm sau sinh

  1. Thay đổi nồng độ hocmon trong cơ thể, trong những giờ đầu sau sinh nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể giảm mạnh, đột ngột, từ đó có thể kéo theo tình trạng trầm cảm sau sinh
  2. Yếu tố rối loạn tâm lý: Tâm lý lo lắng về chăm con, chưa thể thích nghi với việc có em  bé
  3. Mệt mỏi về thể chất do cơn đau sau sinh, con quấy khóc gây mất ngủ, lại không được sự trợ giúp của gia đình, người thân, tình trạng này kéo dài sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm
  4. Yếu tố khách quan trong cuộc sống như những thay đổi đột ngột trong cuộc sống như những khó khăn về tài chính, sự thay đổi tình cảm của người thân, thất nghiệp…
  5. Yếu tố gen di truyền, lịch sử mắc bệnh
  6. Hầu hết 90% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh đều có dấu hiệu như đau đầu, mất ngủ, bỏ con, tự sát

Trầm cảm sau sinh biểu hiện như thế nào?

  • Các triệu chứng trầm cảm sau sinh như khí sắc giảm: nét mặt buồn bã, đơn điệu; mất hứng thú trong hầu hết các hoạt động thậm chí không quan tâm em bé mới sinh; năng lượng giảm sút, kiệt sức và mệt mỏi; mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân thậm chí có bệnh nhân còn nhịn ăn; mất ngủ, rối loạn giấc ngủ (chiếm 95% số trường hợp trầm cảm sau sinh; nói ít, nằm lì trên giường cả ngày; cảm giác vô dụng cho mình là gánh nặng cho mọi người; khó tập trung hoặc ra quyết định; giảm trí nhớ gần quên việc mình vừa làm; ý nghĩ muốn tự sát hoặc ý định giết con rồi tự sát.
  • Giai đoạn trầm cảm nặng có thể có biểu hiện loạn thần (liên quan chủ yếu đến đứa trẻ mới sanh), những ý nghĩ ám ảnh (thường liên quan đến bạo lực đối với đứa trẻ), lo âu nhiều và những cơn hoảng loạn. Ý nghĩ và hành vi giết đứa trẻ ngay sau khi sanh có thể xảy ra trong trường hợp giai đoạn trầm cảm rất nặng có loạn thần (trầm cảm kèm theo hoang tưởng và/hoặc ảo giác). Trường hợp nặng, gia đình nên cách ly người mẹ khỏi đứa trẻ rồi đưa đến gặp Bác sĩ, chuyên gia tâm thần để khám và điều trị.

Hậu quả của bệnh trầm cảm sau sinh
Hậu quả của trầm cảm sau sinh là khôn lường. Đây là căn bệnh xảy ra đối với người phụ nữ trong và sau thai kỳ. Rất nhiều phụ nữ chủ quan rằng mình sẽ không mắc bệnh, cũng như nhiều phụ nữ cho rằng bệnh chỉ thoáng qua rồi tự hết. Nhưng đó là quan niệm sai lầm vì nguyên nhân gây bệnh do chủ quan và khách quan. Nhẹ thì chỉ là thoáng qua với triệu chứng mệt mỏi, cảm xúc thái cực, mất ngủ…Nhưng để kéo dài gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, tinh thần của người mẹ cũng như đứa trẻ. Hệ lụy tai hại nhất là người mẹ dẫn đến rối loạn cảm xúc tâm thần rồi sát hại con mình hay tự tử. Nếu các bà mẹ có dấu hiệu loạn thần như trên phải đưa ngay đến các viện chuyên khoa tâm thần để điều trị nội trú tránh ảnh hưởng đến đứa trẻ.

Điều trị trầm cảm sau sinh như thế nào?

  • Phương pháp trị liệu bằng tham vấn tâm lý:  Khi thấy  người bệnh có các dấu hiệu như trên, cần có sự tham vấn tâm lý của chuyên gia về sức khỏe tâm thần. Phương pháp điều trị này là các cuộc nói chuyện riêng với chuyên gia về sức khỏe tâm thần (chuyên gia tư vấn, bác sĩ trị liệu, nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần hoặc nhân viên y tế cộng đồng).
  • Điều trị bằng thuốc: Có ý nghĩa rất quan trọng, giúp người bệnh nhanh chóng thoát khỏi trạng thái Trầm cảm.  Nếu không điều trị kịp thời, nguy cơ tự sát là rất lớn.  Người bệnh không tự ý dùng thuốc phải được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám kê đơn

Điều rất quan trọng là người thân trong gia đình phải hỗ trợ, quan tâm, chăm sóc bệnh nhân và em bé để người bệnh có thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc phục hồi sức khỏe và tinh thần

Phòng ngừa bệnh Trầm cảm sau sinh?
Tất cả các phụ nữ sau sinh đẻ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như đã từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hay các bệnh tâm thần khác hay những vấn đề tâm lý khác mà người phụ nữ gặp phải. Có thể đề phòng trầm cảm sau sinh không chỉ về phía bản thân người phụ nữ và còn phối hợp với những người xung quanh
Về phía bản thân người phụ nữ sau sinh cần:

  • Học cách thư giãn, giải tỏa căng thẳng mệt mỏi
  • Không nên áp đặt bản thân làm những việc quá sức, không nên quá kì vọng để trở thành người mẹ hoàn hảo
  • Ngủ đủ giấc, tranh thủ nghỉ ngơi khi con đang ngủ
  • Dành thời gian chăm sóc bản thân, gặp gỡ bạn bè người thân
  • Về phía gia đình nên dành thời gian quan tâm chăm sóc người phụ nữ sau sinh đặc biệt là người chồng cần phải luôn luôn lắng nghe cảm thông với người phụ nữ nhất là trong 1 năm đầu sau khi sinh.

Trầm cảm sau sinh – căn bệnh ngày càng phổ biến cả xã hội hiện đại gây nên hệ lụy khôn lường cho người mẹ và em bé. Cần được can thiệp sớm khi phát hiện thấy những biểu hiện của bệnh trầm cảm sau sinh.

Phòng Khám Tâm Lý- Tâm Thần BS. Vương Thủy
Hotline: 0985 328468
Email: bsvuongthuy@gmail.com 
Đăng kí khám bệnh từ xa qua Video TẠI ĐÂY