Giỏ hàng

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực

1. RỐI LOẠN CẢM XÚC LƯỠNG CỰC LÀ GÌ?

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một chứng bệnh rối loạn tâm thần gây ra sự biến đổi cảm xúc không ổn định. Người bệnh chuyển từ cảm xúc hưng phấn sang ức chế một cách xen kẽ có chu kỳ. Một số người có vòng tuần hoàn khí sắc thay thế nhanh chóng giữa các đợt trầm cảm và hưng cảm, đôi lúc, người bệnh có tình trạng kết hợp vừa có những triệu chứng hưng cảm, vừa có những triệu chứng trầm cảm.
Tùy vào mỗi người mà các cơn hưng cảm và trầm cảm sẽ có số lượng và tần suất khác nhau. Có thể chỉ bị một, hay cơn, trong khi một số người khác thì bị rất nhiều cơn hưng cảm hay trầm cảm. Rối loạn cảm xúc lưỡng cực ảnh hưởng đến cả nam và nữ, ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường khởi phát ở độ tuổi 18-24 tuổi.

2. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH GÂY BỆNH RỐI LOẠN CẢM XÚC LƯỠNG CỰC

Cơ chế bệnh sinh của Rối loạn cảm xúc lưỡng cực đến nay chưa rõ ràng. Các giả thuyết về cơ chế bệnh sinh của bệnh này mới chỉ giải thích tốt ở giai đoạn trầm cảm: do sự mất cân bằng của các chất truyền thần kinh trong não. 
Bệnh thường xảy ra trong gia đình, và được cho là sự khác biệt trên mã gene khiến họ dễ mắc rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Các sự kiện lớn trong đời như mất đi người thân, tan vỡ trong các mối quan hệ hay các căng thẳng lớn khác có thể khởi phát các đợt bệnh, đồng thời có thể khởi phát các bệnh thực thể hay các vấn đề về giấc ngủ.

3. CÁC DẤU HIỆU VÀ CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH RỐI LOẠN CẢM XÚC LƯỠNG CỰC
Triệu chứng của bệnh Rối loạn cảm xúc lưỡng cực xuất hiện ở 3 nhóm triệu chứng : Hưng cảm, trầm cảm và hỗn hợp ( cả trầm cảm và hưng cảm)
3.1. Giai đoạn hưng cảm
Một cơn hưng cảm của rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một giai đoạn kéo dài ít nhất 1 tuần, với triệu chứng chủ yếu là khí sắc tăng và các triệu chứng phổ biến khác. 
- Triệu chứng chủ yếu: Khí sắc tăng
Người bệnh hưng phấn, phấn khích và vui sướng quá mức. Khí sắc tăng biểu hiện bền vững hầu như cả ngày, bệnh nhân mất khả năng tự phê phán trong quan hệ với mọi người, trong quan hệ tình dục và trong nghề nghiệp.
Khí sắc tăng được coi là một triệu chứng quan trọng của giai đoạn hưng cảm. Bệnh nhân có thể dễ bị kích thích, đặc biệt khi mong muốn của họ không được thỏa mãn. Khí sắc của bệnh nhân có thể không ổn định (thay đổi giữa hưng phấn và kích thích) được người thân của họ nhận thấy thường xuyên.
- Các triệu chứng phổ biến khác:

  • Tự cao: Bệnh nhân tự đề cao bản thân quá mức, nêu các ý kiến về vấn đề mà họ không biết. Mặc dù không có kinh nghiệm hoặc khả năng đặc biệt nào nhưng BN vẫn bắt tay vào viết báo, viết tiểu thuyết hoặc công bố các công trình khoa học. Khi ý tưởng tự cao ở mức độ nặng chúng phát triển thành hoang tưởng tự cao. Bệnh nhân nghĩ rằng mình là người tài giỏi, có nhiều khả năng đặc biệt, giàu có, nhiều tiền, quen biết nhiều lãnh đạo cấp cao, nguyên thủ quốc gia….
  • Giảm nhu cầu ngủ: Bệnh nhân thức dậy sớm hơn bình thường vài giờ mà họ vẫn cảm thấy tràn trề sức sống. Khi rối loạn giấc ngủ quá nặng, bệnh nhân có thể thức vài ngày không cần ngủ mà không cảm thấy mệt mỏi.
  • Nói nhiều, nói nhanh: Bệnh nhân nói to, nói nhanh, và khi đã nói thì khó làm họ ngừng lại. Họ có thể nói không ngừng suốt cả ngày, nói về mọi chủ đề, từ chủ đề này sang chủ đề khác. Ngôn ngữ điển hình là đùa cợt, chơi chữ, xấc láo để mua vui.
  • Vui vẻ quá mức: Bệnh nhân thể hiện sự vui vẻ quá mức với bất kì sự vật, hiện tượng nào xảy ra xung quanh. Nét mặt vui sướng, thái độ hân hoan, nói cười huyên thuyên. Bệnh nhân thường ca hát, đọc thơ, diễn kịch say sưa mà không cần biết người xung quanh có muốn thưởng thức hay không.
  • Phân tán chú ý: Bệnh nhân mất khả năng tập trung chú ý. Họ không tập trung vào một công việc nhất định nếu có các kích thích từ bên ngoài. Do đó họ thường can thiệp vào mọi việc xung quanh, gây ồn ào.
  • Tăng hoạt động ưa thích: Họ có thể mua sắm rất nhiều, vượt qua khả năng chi trả của họ, tiêu rất nhiều tiền. Có những bệnh nhân thích tham gia vào kinh doanh (mặc dù không có kinh nghiệm) gây ra tổn thất tài chính cho bản thân, gia đình, cơ quan. Ho luôn làm phiền người khác như quấy rầy hàng xóm, người quen biết, gọi điện cho bạn bè đêm khuya….

3.2. Giai đoạn trầm cảm điển hình 
Một giai đoạn trầm cảm điển hình bao gồm một nhóm các triệu chứng gồm các triệu chứng chủ yếu và triệu chứng phổ biến sau đây, với thời gian tồn tại các triệu chứng ít nhất 2 tuần.
- Triệu chứng chủ yếu: 

  • Khí sắc trầm 
  • Mất quan tâm thích thú
  • Giảm năng lượng và tăng mệt mỏi

- Triệu chứng phổ biến: 

  • Giảm sự tập trung chú ý
  • Giảm tính tự trọng và lòng tự tin
  • Những ý tưởng bị tội và không xứng đáng
  • Nhìn tương lai ảm đạm và bi quan
  • Ý tưởng và hành vi tự sát
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Rối loạn ăn uống: ăn ít ngon miệng hoặc ăn quá nhiều.

3.3. Giai đoạn hỗn hợp
Một số người bệnh có thể có kết hợp cả pha hưng cảm và trầm cảm, để chẩn đoán rối loạn cảm xúc lưỡng cực cần phải có sự thăm khám của bác sỹ , thông qua phỏng vấn, trắc nghiệm, khai thác bệnh sử và các xét nghiệm liên quan. Để có bằng chứng khách quan, bác sỹ còn phỏng vấn gia đình, bạn bè người bệnh. Đôi khi các pha hưng cảm bị bỏ sót dẫn đến chỉ chẩn đoán là bị trầm cảm đơn thuần. Thông qua đánh giá các triệu chứng bác sỹ sẽ kết luận trạng thái bệnh lý của người bệnh.

RỐI LOẠN CẢM XÚC LƯỠNG CỰC ẢNH HƯỞNG ĐẾN CUỘC SỐNG NHƯ THẾ NÀO?
Khi không được kiểm soát, rối loạn lưỡng cực có thể gây ra nhiều vấn đề trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, bao gồm công việc, các mối quan hệ, giấc ngủ, sức khỏe và tiền bạc. Nó có thể dẫn đến hành vi rủi ro, có thể gây căng thẳng cho những người quan tâm đến bạn và khiến cho những người thân xung quanh bạn không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Nhiều người bị rối loạn lưỡng cực thường lạm dụng ma túy hoặc rượu. Họ có thể uống hoặc sử dụng thuốc để giảm bớt các triệu chứng khó chịu do thay đổi tâm trạng. Lạm dụng chất gây nghiện cũng có thể dễ xảy ra như là một phần của sự liều lĩnh và tìm kiếm niềm vui liên quan đến giai đoạn hưng cảm.
Những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực có nguy cơ tự tử cao gấp 10-20 lần so với những người khác. Dấu hiệu cảnh báo bao gồm thường nói về việc tự tử, sắp xếp công việc của họ theo thứ tự và làm những việc rất nguy hiểm.

4. ĐIỀU TRỊ
Điều trị rối loạn cảm xúc lưỡng cực nhằm mục đích ổn định tâm trạng để tránh hậu quả của cả trạng thái hưng cảm và trầm cảm. Phần lớn người bệnh đều cần được điều trị trong thời gian dài nhằm làm giảm và ngăn ngừa các triệu chứng rối loạn lưỡng cực:

  • Cắt cơn rối loạn cảm xúc hiện tại (hưng cảm, trầm cảm, hỗn hợp) 
  • Tâm lý trị liệu.
  • Ngăn chặn tái phát

Phòng Khám Tâm Lý- Tâm Thần BS. Vương Thủy
Hotline: 0985 328468
Email: bsvuongthuy@gmail.com 
Đăng kí khám bệnh từ xa TẠI ĐÂY