Giỏ hàng

Tâm thần phân liệt

BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT (SCHIZOPHRENIA) LÀ GÌ?
Tâm thần phân liệt là một bệnh tâm thần nặng có tính chất tiến triển từ từ, căn nguyên hiện nay chưa rõ ràng, với các triệu chứng lâm sàng rất đa dạng, làm biến đổi nhân cách người bệnh theo kiểu từ từ, làm cho họ dần dần tách ra khỏi cuộc sống bên ngoài, thu dần vào thế giới bên trong (thế giới tự kỷ), làm cho tình cảm của họ khô lạnh dần, khả năng làm việc ngày một sút kém và có những hành vi lập dị khó hiểu. Bệnh thường bắt đầu ở độ tuổi 20 – 30 tuổi và sẽ kéo dài suốt cuộc đời (không thể khỏi được), gặp ở mọi tầng lớp trong xã hội. 
Mặc dù tâm thần phân liệt được coi là một bệnh nhưng thực ra đó là một nhóm bệnh với bệnh sinh không đồng nhất; biểu hiện lâm sàng, kiểu tiến triển và điều trị của chúng cũng không giống nhau. 
Theo DSM-5 (2013) của Hội Tâm thần học Mỹ, tâm thần phân liệt được coi là rối loạn kéo dài ít nhất 6 tháng, trong đó bao gồm ít nhất 1 tháng có triệu chứng trong pha hoạt động (nghĩa là có hai hay nhiều hơn các triệu chứng sau: hoang tưởng, ảo giác, căng trương lực, ngôn ngữ thanh xuân, hành vi thanh xuân, và các triệu chứng âm tính, bao gồm các thể của TTPL như: paranoid, thanh xuân, căng trương lực, không biệt định và di chứng).

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT
Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tâm thần phân liệt, mà bệnh được cho rằng do một số yếu tố khác nhau phối hợp gây ra.

  • Yếu tố di truyền: Ở dân số bình thường thì tỷ lệ mắc bệnh chỉ khoảng 1%, nhưng nếu tiền sử gia đình có người thân, hoặc bố mẹ bị bệnh thì tỷ lệ mắc bệnh ở các đứa con có thể tăng lên đến 12% .
  • Yếu tố sinh hoá: Dopamine được cho rằng có góp phần gây ra bệnh này.
  • Yếu tố gia đình: Bệnh tâm thần phân liệt có xu hướng dễ tái phát hơn, đặc biệt ở những gia đình không hạnh phúc, thường xuyên có mâu thuẫn hoặc không khí căng thẳng.
  • Yếu tố môi trường: Môi trường chung quanh quá nhiều sang chấn, stress có thể góp phần thúc đẩy sự xuất hiện bệnh.

BIỂU HIỆN LÂM SÀNG BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT


Các triệu chứng dương tính
Triệu chứng dương tính trong TTPL bao gồm các biến đổi quá mức trong quá trình tư duy (ám ảnh, hoang tưởng), tri giác (ảo giác), lời nói (ngôn ngữ hỗn loạn), và hành vi (thanh xuân, căng trương lực). Ngoài ra còn có các cơn hưng cảm, trầm cảm, giải thể nhân cách.
1. Hoang tưởng
Hoang tưởng là các triệu chứng cơ bản của TTPL. Hoang tưởng được định nghĩa là: 

  • Những ý tưởng, phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế
  • Cố định trên bệnh nhân
  • Chi phối mọi hành vi của bệnh nhân
  • Không phải là các niềm tin tôn giáo
  • Bệnh nhân mất hoàn toàn khả năng phê phán (nghĩa là không bao giờ thừa nhận rằng ý nghĩ của mình là sai lầm).

a. Hoang tưởng bị kiểm tra, bị chi phối

  • Rất hay gặp trong TTPL, có giá trị chẩn đoán cao.
  • Bệnh nhân tin rằng có một người hoặc một thế lực nào đó đang chi phối bệnh nhân bằng các phương tiện đặc biệt. Bệnh nhân có thể bị chi phối về ý nghĩ, cảm giác và vận động.  
  • Nếu hoang tưởng có nội dung chi phối bằng các phương tiện vật lý như tia laser, dòng điện, máy ghi âm, vô tuyến,… thì gọi là hoang tưởng bị vật lý chi phối. Hoang tưởng này thường kèm theo ảo giác, xúc giác, hay ảo giác nội tạng.

b. Hoang tưởng kì quái
     Được coi là rất đặc trưng cho bệnh TTPL, nội dung rất đa dạng. 
Người bệnh có khả năng điều khiển thời tiết, nói chuyện với người của thế giới khác, được lên thiên đình sống trong thế giới giàu sang, cho rằng mình là phật tổ bị đầy xuống trần gian; bản thân mình có thể lãnh đạo được cả thế giới, làm trọng tài cho các cuộc chiến tranh thế giới. Người bệnh thấy thế giới bị huỷ diệt, bị ngập lụt, các thành phố bị sụp đổ, tan hoang. 
c. Hoang tưởng tự cao
 Bệnh nhân cho rằng mình có rất nhiều tài năng, thông minh, tài giỏi, có nhiều sức lực mạnh mẽ, am hiểu nhiều lĩnh vực Thiên văn học, địa lý học, toán học…, có người cho rằng mình có địa vị cao, quyền lực lớn, có họ hàng với các bậc vĩ nhân, nhiều tài sản, giàu có,…
d. Hoang tưởng bị hại
Bệnh nhân tin rằng họ bị hành hạ, bị tra tấn, bị đầu độc, sẽ bị giết bởi một người hoặc một thế lực nào đó. Người hại bệnh nhân có thể là những người thân (ông, bà, bố, mẹ, anh, chị), hoặc những người xa lạ, họ hại bệnh nhân vì một mục đích rõ ràng (chiếm tài sản, tranh chức quyền), hoặc rất mơ hồ (không có động cơ gì cả). 
e. Hoang tưởng liên hệ

  • Rất phổ biến trong TTPL.
  • Người bệnh cho rằng mọi thứ xung quanh đều có mối liên hệ đặc biệt với họ, mọi người nhìn họ một cách đặc biệt, bàn tán, cười cợt, chế giễu họ. Người bệnh cho rằng đài phát thanh cũng đang nói, ám chỉ về mình. Bệnh nhân tin rằng một số sách báo, bài bình luận, bài hát hoặc một số thông tin khác ở bên ngoài ám chỉ họ dưới các hình thức đặc biệt. 

2. Các ảo giác

  • Ảo giác có thể gặp ở bất kì các giác quan nào (ảo thanh, ảo khứu, ảo vị, ảo xúc, ảo thị) nhưng ảo giác hay gặp nhất và đặc trưng cho TTPL là ảo thanh.
  • Ảo thanh có ở khoảng 60-70% số bệnh nhân TTPL. BN nghe thấy những tiếng nói không có thật, nhưng được bệnh nhân cho là thật. 
  • Ảo thanh thường được chia làm ảo thanh thật và ảo thanh giả. Nội dung của ảo thanh là  khác nhau, căn cứ vào nội dung người ta chia ra làm các loại ảo thanh sau: 
  1. Ảo thanh bình phẩm: là tiếng người khen hoặc chê bai bệnh nhân, nhưng thường là xúc phạm hoặc đe doạ bệnh nhân là hay gặp nhất. Bệnh nhân nghe thấy có tiếng người chửi rủa, nói xấu mình, làm cho bệnh nhân rất bực tức, khó chịu. Ảo thanh bình phẩm là triệu chứng rất đặc trưng cho TTPL.  
  2. Ảo thanh xui khiến, ra lệnh: là tiếng nói xui khiến, ra lệnh cho bệnh nhân phải làm một việc gì đó. Thông thường bệnh nhân không thể cưỡng lại các mệnh lệnh của ảo thanh đưa ra. Họ có thể có những hành vi rất nguy hiểm như đập phá, đánh người, đốt nhà, giết người do làm theo mệnh lệnh của ảo thanh. Đây cũng là triệu chứng rất đặc trưng của TTPL, chỉ cần một triệu chứng này cũng đủ để chẩn đoán TTPL
  3. Ảo thanh là tiếng người trò chuyên với bệnh nhân: bệnh nhân nói chuyện với ảo thanh (giống như ta nói chuyện qua điện thoại), vì thế người khác có thể thấy bệnh nhân nói chuyện một mình to thành tiếng. Nói một mình là triệu chứng rất quan trọng giúp chẩn đoán TTPL.
  4. Ảo thanh là hai hay nhiều giọng nói đối thoại với nhau: đây cũng là triệu chứng rất đặc trưng của TTPL

3. Ngôn ngữ thanh xuân
Ngôn ngữ thanh xuân là một triệu chứng rất có giá trị chẩn đoán TTPL, gặp trong TTPL thể thanh xuân, bệnh nhân có tư duy (lời nói) rất hỗn loạn, kì dị, khó hiểu.
Lời nói của bệnh nhân có thể bị rối loạn theo các cách khác nhau, bệnh nhân có thể lướt nhanh qua từ một chủ đề này sang một chủ đề khác. Đáp ứng câu hỏi có thể chỉ sai lệch trong mối liên hệ với câu hỏi hoặc hoàn toàn không liên quan gì đến câu hỏi.
4 Hành vi thanh xuân
Các hành vi này có thể biểu hiện trong các mức độ khác nhau, từ đi lại không ngừng đến kích động. Các hành vi này thường là rất lố lăng, hời hợt, kì dị, khó hiểu. Rối loạn hành vi gây khó khăn cho cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân như trong ăn uống hoặc giữ vệ sinh cá nhân. BN có thể rất bẩn, ăn mặc lố lăng (mặc nhiều quần áo, đeo găng tay khi trời nóng), có thể biểu hiện hành vi tình dục không phù hợp (thủ dâm nơi công cộng) hoặc kích động, đập phá. 
5. Hành vi căng trương lực
- Sững sờ căng trương lực: là sự giảm sút rõ ràng các phản ứng lại tác động của môi trường. Một số trường hợp đạt đến mức vô thức quá mức, bệnh nhân giữ lâu ở một tư thế.
- Uốn sáp căng trương lực: là bệnh nhân giữ lâu ở một số vị trí vô cùng kì lạ và vô lý. Ví dụ khi ta đưa tay BN lên đầu làm tư thế chào, BN sẽ giữ nguyên tư thế đó hàng tiếng đồng hồ. 
Nếu tình trạng căng trương lực quá nặng, BN sẽ câm, không đáp ứng với các kích thích bên ngoài môi trường mà chỉ nằm im một chỗ.

Các triệu chứng âm tính
Triệu chứng âm tính của TTPL thể hiện sự tiêu hao, mất mát, mất tính toàn vẹn và thống nhất trong các mặt hoạt động tâm thần vốn có. Triệu chứng này rất hay gặp, chúng là nền tảng của bệnh TTPL. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, chúng rất kín đáo, khó phát hiện, và sau một vài năm bị bệnh, các triệu chứng này ngày càng rõ ràng. Đến giai đoạn di chứng thì các triệu chứng âm tính là chủ yếu.
1. Cảm xúc cùn mòn
Cảm xúc cùn mòn là triệu chứng hay gặp và đặc trưng là bởi nét mặt đơn điệu, không thay đổi, không sinh động của bệnh nhân. BN mất đi sự cởi mở trong giao tiếp, không quan tâm đến môi trường xung quanh. 

  • Cảm xúc không thích hợp: là trạng thái cảm xúc không tương xứng với kích thích như khóc cười không có nguyên nhân phù hợp.
  • Vô cảm: Người bệnh không biểu hiện cảm xúc qua nét mặt, hoàn toàn thờ ơ, dửng dưng với mọi việc xảy ra xung quanh và ngay cả với bản thân mình; người bệnh thụ động, không thiết gì cả, xa lánh mọi người. 

2. Mất ý chí

  • Mất ý chí được đặc trưng bởi sự giảm sút các hoạt động định hướng về một mục đích nào đó. Người bệnh mất hết sáng kiến, mất động cơ, hoạt động không hiệu quả; các thói quen nghề nghiệp cũng mất dần đến nỗi họ không muốn làm bất kỳ việc gì nữa. Do vậy, khả năng lao động của họ bị giảm sút. Họ mất việc làm, lối sống ngày càng suy đồi, không muốn làm gì, nằm lì một chỗ.
  • Kém vệ sinh chăm sóc cá nhân, lười nhác: BN thường ăn mặc lôi thôi, bẩn thỉu, phải đôn đốc thúc giục trong vệ sinh cá nhân.
  • Thụ động, kém sáng kiến trong lao động và học tập.
  • Tránh né xã hội: BN mất đi sự cởi mở trong giao tiếp, không giao lưu với ai, đi lang thang một mình không có mục đích hoặc sống thu mình vào cuộc sống riêng.

3. Ngôn ngữ nghèo nàn

  • Ngôn ngữ nghèo nàn về số lượng: biểu hiện sự nghèo nàn về vốn từ, giảm số lượng từ khi nói.
  • Ngôn ngữ nghèo nàn về nội dung: Thể hiện bằng sự giảm sút số lượng các ý tưởng diễn đạt.
  • Tư duy chậm chạp: dòng ý tưởng chậm chạp, suy nghĩ khó khăn, phải suy nghĩ rất lâu trước những câu hỏi dù rất đơn giản.
  • Tư duy ngắt quãng: dòng ý tưởng bị đứt đoạn làm BN đang nói đột ngột dừng lại, khi nói trở lại thì lại chuyển sang chủ đề khác.

ĐIỀU TRỊ BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT
 


Hiện nay phương pháp điều trị hiệu quả nhất bệnh tâm thần vẫn là kết hợp sử dụng thuốc chống loạn thần và phục hồi chức năng tâm lý, xã hội cho bệnh nhân.
4.1. Thuốc chống loạn thần
Đa phần các thuốc chống loạn thần góp phần điều chỉnh các chất hoá học trong não.

  • Các thuốc chống loạn thần cổ điển: Aminazine, Haloperidol...
  • Thuốc chống loạn thần thuộc thế hệ mới: Risperidone, Olanzapine, Clozapine... hiệu quả cao hơn, ít tác dụng phụ hơn các thuốc loại cổ điển, nhờ đó góp phần làm bệnh nhân yên tâm điều trị lâu dài.

Nhờ các thuốc này mà rất nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt không cần nằm bệnh viện tâm thần lâu dài. Bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú, vừa uống thuốc vừa có thể sống trong gia đình và xã hội thì tâm lý bệnh nhân cũng được thoải mái hơn, giảm được tâm lý bị kỳ thị của xã hội do mắc bệnh tâm thần.
Đa số bệnh nhân cần điều trị trong thời gian rất dài để đề phòng tái phát. Do đó, việc ngưng uống thuốc nhất thiết cần phải có sự đồng ý của bác sĩ tâm thần.
Thuốc chống loạn thần góp phần điều chỉnh các chất hoá học trong não

4.2. Phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân.
Phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho bệnh nhân là biện pháp vô cùng hữu hiệu trong phối hợp điều trị tâm thần phân liệt, đôi khi, có thể tháo gỡ mắt xích là tác nhân tăng nguy cơ gây bệnh ở bệnh nhân.
Các biện pháp tâm lý giúp:

  • Phục hồi khả năng tiếp xúc của người bệnh với xã hội, với mọi người chung quanh, cải thiện khả năng làm việc và học tập.
  • Giúp gia đình bệnh nhân hiểu rõ hơn về bệnh tâm thần phân liệt, về cách điều trị và các tác dụng phụ của thuốc chống loạn thần, và cách cư xử thích hợp với bệnh nhân.
  • Giúp mọi người xung quanh có cái nhìn đúng đắn về loại bệnh này để mọi người chung quanh bệnh nhân thông cảm với bệnh nhân hơn. Tâm thần phân liệt cũng là bệnh, và bệnh nhân cần được quan tâm cũng như điều trị như những loại bệnh mạn tính, cần điều trị lâu dài như bệnh tiểu đường, bệnh cao huyết áp...

Bệnh tâm thần phân liệt không chỉ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bị bệnh mà còn có thể gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Do đó, khi phát hiện ra người thân có những biểu hiện tâm thần, dù nhẹ, người nhà cũng nên đưa bệnh nhân đi khám ngay để có phương pháp điều trị, thuốc cũng như các biện pháp tâm lý cần thiết.

NHỮNG ĐIỀU NÊN TRÁNH ĐỐI VỚI BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT

  •      Không nên đưa bệnh nhân đến thầy cúng, thầy pháp vì bệnh TTPL không phải do ma quỷ gây ra.
  •      Không nên tranh luận với bệnh nhân về sự vô lý của hoang tưởng. Những ý nghĩ bệnh lý đó chỉ có thể biến mất đi nhờ thuốc chống loạn thần.
  •      Không nên xiềng xích, trói hay nhốt bệnh nhân vì thuốc chống loạn thần có thể làm cho bệnh nhân không còn hung hăng, kích động.
  •      Không nên tự ý cho bệnh nhân ngưng uống thuốc mà không có ý kiến của bác sĩ tâm thần.

Phòng Khám Tâm Lý- Tâm Thần BS. Vương Thủy
Hotline: 0985 328468
Email: bsvuongthuy@gmail.com 
Đăng kí khám bệnh từ xa qua Video TẠI ĐÂY