Giỏ hàng

MỘNG DU LÀ GÌ?

Mộng du hay còn được goị là miên hành

Đây là một trạng thái rối loạn giấc ngủ, thường xảy ra ở giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ. Bệnh nhân đi trong trạng thái vắng ý thức hoàn toàn, có thể ngồi dậy, hay vận động phức tạp như đi, mặc quần áo, nói, la hét... Các hành vi đó kết thúc khi bệnh nhân thức dậy sau một vài phút, hoặc khi họ quay lại giường và ngủ tiếp.

Miên hành thường xảy ra ở khoảng 4 - 8 tuổi, nhiều nhất là ở tuổi dậy thì (12 - 15 tuổi). Tỷ lệ miên hành chiếm khoảng 15% ở trẻ em và thanh thiếu niên, trẻ nam gặp nhiều hơn trẻ nữ. Ở người lớn, miên hành chiếm tỷ lệ khoảng 1 - 7%, nam và nữ cân bằng nhau.

Bệnh nhân miên hành thường lặp đi lặp lại các giai đoạn ngồi dậy từ giường đi trong khi ngủ ra ngoài, và thường xảy ra ở thời điểm 1/3 giai đoạn đầu của đêm. Nhiều bệnh nhân được người nhà cho rằng mình đã thức dậy, đi lang thang trong vườn, thậm chí có người còn trèo lên nóc nhà, cột điện... Trong khi đi miên hành, bệnh nhân có sự trống rỗng, nét mặt đơn điệu, không đáp ứng với lời nói của người khác, họ có thể tỉnh sau một kích thích mạnh của người khác. Đặc biệt, sau cơn miên hành người ta không nhớ sự việc đã xảy ra với mình, họ có xu hướng quên trong cơn. Trong một vài phút tỉnh dậy sau cơn miên hành, bệnh nhân không có biểu hiện của rối loạn tâm thần vận động hoặc hành vi, mặc dù bệnh nhân có rối loạn ý thức hoặc rối loạn định hướng ngắn.

Lưu ý

Người đang trong cơn miên hành thường mất ý thức ngắn hạn, họ không biết hành vi lặp lại của mình trong cơn. Chính vì vậy, khi trong nhà có người bị miên hành, điều đầu tiên là không nên đánh thức họ một cách mạnh mẽ, không được hoảng hốt mà gây tiếng động lớn làm người bệnh thức giấc, điều đó rất nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh. Lúc đó, người nhà hãy nhẹ nhàng dìu bệnh nhân về giường để họ ngủ lại như không có chuyện gì xảy ra. Tránh áp lực tâm lý, cần có trạng thái thoải mái là điều cần thiết để phòng tránh trạng thái miên hành đối với người bệnh. Sự thoải mái, không căng thẳng, cùng với không gian thoáng mát thường giúp họ có một giấc ngủ sâu, ngủ đủ và không mất ổn định.

Việc điều trị chứng miên hành cũng giống như nhiều dạng rối loạn giấc ngủ khác, cần được chẩn đoán, điều trị và tư vấn bởi các bác sĩ tâm thần. Vì vậy, khi tình trạng miên hành xảy ra thường xuyên và cường độ càng tăng thì cần sớm đưa bệnh nhân đến bác sĩ tâm thần để được giúp đỡ, tránh tình trạng kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và đời sống.

LƠÌ KHUYÊN CHO GIA ĐÌNH

Điều trị cơn cơn miên hành

  • Hướng dẫn trẻ tập thư giãn trước khi ngủ: hít sâu thở đều, thả lỏng cơ bắp, nhẩm đếm theo nhịp thở.
  • Hướng dẫn gia đình các biện pháp phòng ngừa những tổn thương cơ thể có thể xảy ra khi trẻ bị rối loạn giấc ngủ: không cho trẻ nằm giường cao, không để những vật sắc nhọn hoặc dễ vỡ ở gần giường ngủ, đóng lối đi cầu thang và cửa nhà, cửa sổ về ban đêm để trẻ không ra khỏi nhà.
  • Giúp trẻ trở lại giấc ngủ bình thường sau khi trẻ bị cơn miên hành bằng cách vỗ về, dỗ dành, an ủi, đặt trẻ nhẹ nhàng vào giường.
  • Đối với những trẻ thường xuyên bị rối loạn ngủ có thể làm giảm tần suất cơn bằng cách: ghi chép khoảng thời gian từ khi trẻ bắt đầu ngủ cho đến khi có cơn trong 7 đêm liên tục để biết được quy luật khi nào thì trẻ có cơn. Sau đó chủ động đánh thức trẻ dậy trước khi cơn vẫn thường xảy ra trước đó 15 phút. Cho trẻ thức tỉnh khoảng 5 phút, sau đó lại cho trẻ ngủ tiếp
  • Nếu xác định có sang chấn tâm lý thì cần tư vấn cho trẻ và gia đình khắc phục vấn đề này.
  • Nếu áp dụng các biện pháp tâm lý không hiệu quả, một số trẻ phải điều trị bằng thuốc giải lo âu như, thuốc chống trầm cảm 3 vòng hoặc thuốc ổn định khí sắc để làm giảm tần suất cơn.