Giỏ hàng

ĐỘNG KINH VÀ CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN TRONG ĐỘNG KINH

ĐỘNG KINH VÀ CÁC RỐI LOẠN TÂM THẦN TRONG ĐỘNG KINH

 

I. Khái niệm:

Động kinh (ĐK) là một bệnh thần kinh - tâm thần rất phổ biến. Theo nhiều tác giả trong và ngoài nước, tỷ lệ bệnh này chiếm khoảng 0,5-0,8% dân số.  Theo TCYTTG ĐK là một bệnh mạn tính, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc trưng là sự lặp đi lặp lại của các cơn do sự phóng điện quá mức của các tế bào thần kinh vào não bộ, dù cho triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng có thể khác nhau.

Hippocrate (427-370 trước công nguyên) lần đầu tiên đã mô tả bệnh này. Ông đã bác bỏ tính cách thần bí của bệnh và cho rằng đây là một bệnh của não có thể nghiên cứu, giải thích và điều trị được.

II. Phân loại - biểu hiện lâm sàng và điện não.

2.1. Phân loại:

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh ĐK rất đa dạng, do đó việc phân loại các cơn ĐK rất quan trọng cho việc chẩn đoán, điều trị và tiên lượng. Bảng phân loại quốc tế về ĐK này dựa chủ yếu vào lâm sàng và điện não đã được sửa đổi lại năm 1981 và gồm các loại sau:

2.1.1. Động kinh cục bộ:

a/ Động kinh cục bộ đơn giản (với các triệu chứng vận động, giác quan, thần kinh thực vật hoặc tâm thần).

b/ Động kinh cục bộ phức tạp (động kinh tâm thần vận động hay động kinh thuỳ thái dương).

c/ Động kinh toàn thể hoá thứ phát.

2.1.2. Động kinh toàn thể tiên phát

a/ Cơn lớn (co cứng, co giật).

b/ Cơn tăng trương lực.

c/ Cơn vắng ý thức.

d/ Cơn vắng ý thức không điển hình.

e/ Cơn giật cơ.

f/ Cơn mất trương lực cơ

g/ Cơn co thắt ở trẻ em.

2.1.3. Trạng thái động kinh liên tục.

a/ Động kinh cơn lớn liên tục.

b/ Động kinh cơn vắng ý thức liên tục,

c/ Động kinh cục bộ liên tục.

2.1.4. Các kiểu tái đi tái lại.

a/ Thỉnh thoảng.

b/ Có chu kỳ.

c/ Phản xạ (động kinh giật cơ do ánh sáng, động kinh cơ thể- giác quan, động kinh do âm nhạc, động kinh do đọc).

2.2. Biểu hiện lâm sàng

2.2.1. Động kinh cục bộ:

Động kinh cục bộ bắt đầu do sự hoạt hoá  của các tế bào thần kinh ở trong một vùng khu trú của vỏ não. Các triệu chứng lâm sàng tuỳ thuộc vào vùng  vỏ não có liên quan. Tổn thương có thể do chấn thương lúc sinh hoặc sau khi sinh, do u não, abces não, nhũn não, dị dạng mạch máu não, các bất thường về cấu trúc não.

Các cơn động kinh cục bộ được chia thành:

- Đơn giản: không có rối loạn ý thức và còn nhận biết được môi trường xung quanh.

- Phức tạp: Có rối loạn ý thức và rối loạn khả năng nhận biết môi trường xung quanh.

a. Động kinh cục bộ đơn giản:

Động kinh cục bộ đơn giản có thể xảy ra với các triệu chứng về vận động, giác quan, thần kinh thực vật hoặc tâm thần. Các loại động kinh cục bộ đơn giản thường gặp là:

- Động kinh cục bộ vận động Bravais-Jackson: Biểu hiện bằng sự co giật tái đi tái lại của các cơ ở một phần của cơ thể (ngón tay, bàn tay, mặt...) do sự phóng điện của các tế bào TK vùng tương ứng của vỏ não vận động phía đối diện.Cơn co giật này có thể giữ nguyên vị trí ban đầu hoặc lan dần ra những vùng chung quanh theo một qui luật nhất định gọi là hành trình Jackson.

b. Động kinh cục bộ phức tạp.

Còn gọi là ĐK thuỳ thái dương hoặc ĐK tâm thần vận động. Đặc điểm của loại ĐK này là những biến đổi từng cơn về hành vi tác phong, người bệnh mất sự tiếp xúc có ý thức  với môi trường xung quanh. Cơn ĐK này thường bắt đầu bằng những cơn thoáng như: ngửi thấy mùi cao su cháy, thấy đồ vật lớn lên hoặc nhỏ đi, có cảm giác đã từng thấy hoặc chưa bao giờ thấy (Jamais vu), các ảo giác...

Trong cơn, người bệnh có thể có những rối loạn vận động như ngáp, nhai, nuốt, chép môi, đứng lên ngồi xuống, mặc áo vào, cởi áo ra, đi lang thang, vùng chạy hỗn loạn, đi trốn, đi tìm hoặc thực hiện những hoạt động có kỹ năng cao như lái xe, chơi những bản nhạc phức tạp... Những hành vi này có tính chất tự động, không mục đích và người bệnh sau đó không nhớ những gì xảy ra.

Nếu tổn thương có liên quan đến bán cầu chủ đạo thì người bệnh có thêm những rối loạn về ngôn ngữ như đang nói bỗng nhiên dừng lại, nói năng không liên quan. Hầu hết những cơn này đều bắt nguồn ở thuỳ thái dương đặc biệt là hồi hải mã hoặc hạnh nhân, hệ thống viền hoặc những vùng khác của não.

2.2.2. Động kinh toàn thể tiên phát.

a. Động kinh cơn lớn.

- Động kinh cơn lớn: Thường gặp và được biết nhiều nhất. Cơn xảy ra đột ngột, người bệnh mất ý thức trong một thời gian ngắn, xuất hiện co cứng, co giật và sau đó là trạng thái hôn mê . Trước khi lên cơn, từ vài giờ đến vài ngày người bệnh có thể có những dấu hiệu báo trước: đau đầu, ù tai, mất ngủ, ăn không ngon, chóng mặt, thay đổi tính tình, trở nên cáu gắt với người thân.

Ngay trước khi lên cơn, khoảng 5-10% người bệnh có cơn thoáng (aura). Cơn này ngắn, chỉ vài giây và biểu hiện khác nhau.

Hôn mê: sau giai đoạn co giật người bệnh đi vào trạng thái hôn mê, có thể thấy xuất hiện các phản xạ bệnh lý, mất phản xạ ánh sáng và đồng tử, xuất huyết ở dưới da và mắt.

Sau cơn người bệnh tỉnh dần, ban đầu có rối loạn về năng lực định hướng với môi trường xung quanh và không nhớ những gì đã xảy ra, nói năng lộn xộn, tâm thần chưa ổn định.

Có khi người bệnh không tỉnh mà chuyển sang một giấc ngủ say, lúc thức dậy thấy nhức đầu, mệt mỏi, đau ê ẩm toàn thân.

Có trường hợp sau ĐK cơn lớn do còn bị rối loạn ý thức, người bệnh có những hành vi bất ngờ.

b. Cơn vắng ý thức.

Cơn vắng ý thức nghèo nàn về triệu chứng và rất ngắn ngủi từ 1/2 đến 10 giây. người bệnh mất ý thức và không có co giật cơ. Cơn này thoáng qua rất nhanh, bản thân người  bệnh không biết được mà do những người xung quanh phát hiện. Lúc lên cơn mắt người bệnh thường đờ đẫn nhìn vào khoảng không, da tái nhợt, sắc mặt bíên đổi nhanh chóng người bệnh chép lưỡi vài cái, nhai nuốt vài lần, đánh rơi đồ vật đang cầm ở tay hoặc chữ viết trở nên nguệch ngoạc. người bệnh tuy không ngã xuống nhưng có thể có hiện tượng giật nhãn cầu, giật mí mắt, giật nhẹ các chi trên. Cơn vắng ý thức có thể xuất hiện vài chục lần một ngày và hay xảy ra lúc người bệnh bị xúc động, thở sâu. Cơn vắng ý thức hay xảy ra từ 5-12 tuổi, con gái nhiều hơn con trai và đến tuổi dậy thì có thể mất đi. Một số người bệnh có thể có những biến đổi về tính nết kiểu ĐK. Cơn vắng ý thức có thể gặp ở người lớn nhưng thường kèm theo ĐK cơn lớn.

Cơn vắng ý thức có thể phân biệt với những cơn giống cơn vắng ý thức (absence like) đôi khi xẩy ra trọng động kinh cục bộ phức tạp vì không có cơn thoáng, phục hội tức khắc sau cơn và điện não đồ điển hình với các phức hợp mũi nhọn- sóng 3 chu kì/ giây.

c. Cơn co thắt ở trẻ em. (Infantile spasm)

Còn gọi là hội chứng West hoặc Hypsarrythmie được west mô tả lần đầu tiên năm 1841 với 3 triệu chứng chính.

. Co cứng ở tư thế gấp hoặc duỗi.

. Sự phát triển tâm thần bị ngưng lại.

. Điện não đồ hypsarrythime.

Cơn này bắt đầu ở năm thứ nhất của trẻ thường là từ 4-7 tháng, chỉ có 3-5% khởi đầu sau 1 tuổi. Trẻ nam bị nhiều hơn trẻ nữ, 60-69% bệnh nhân là nam.

2.2.3. Các trạng thái động kinh liên tục.     

Trạng thái này rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh vì có hiện tượng phù não, phù phổi cấp, rối loạn tuần hoàn và hô hấp. Người bệnh mê mệt, mạch nhanh, nhiệt độ cao, huyết áp hạ, nhịp thở dồn dập, không đều, có trạng thái mất nước và rối loạn các chất điện giải. Mạch càng nhanh, nhiệt độ càng cao, phản ứng của người bệnh giữa các cơn càng kém thì bệnh càng nặng. Động kinh cơn lớn liên tục cần được cấp cứu ngay.

a. Động kinh cơn nhỏ liên tục:

Rất khó chẩn đoán về lâm sàng, thể hiện bằng một sự rối loạn ý thức ở những mức độ khác nhau: từ trạng thái u ám đến đờ đẫn. Người bệnh phản ứng và trả lời một cách chậm chạp nhưng thường thường hành vi của họ không bị rối loạn.

Trên điện não ta thấy xuất hiện nhiều phức hợp mũi nhọn sóng với nhịp 3 ck/giây, liên tục hay từng đoạn dài.

III. Các rối loạn tâm thần trong bệnh Động kinh

Các RL tâm thần rất hay gặp ở bệnh nhân ĐK và là một vấn đề quan trọng về mặt sức khoẻ tâm thần do sự khá phổ biến của bệnh này trong nhân dân.

Theo nhiều tác giả, khoảng 30-50% bệnh nhân ĐK có những khó khăn về tâm thần, trong đó các RL nhân cách là hay gặp nhất, đặc biệt là ở những bệnh nhân ĐK có nguồn gốc ở thuỳ thái dương. Các biểu hiện tâm thần của bệnh ĐK có thể chia làm:

3.1. Các biểu hiện trong cơn ĐK (Ictalmanifestations).

Thường được biết đến nhiều nhất là các rối loạn về ý thức và nhận thức do hôn mê sau cơn ĐK cơn lớn, thường kéo dài từ vài phút đến nhiều giờ. ít gặp hơn là những cơn rối loạn hoạt động tâm thần tạm thời xảy ra ở những cơn ĐK cơn nhỏ hoặc ở ĐK cục bộ xuất phát từ một vùng giới hạn cuả não, đặc biệt là thuỳ thái dương. Tính chất ĐK của những cơn này rất khó nhận biết do các biểu hiện vận động và cảm giác thường không có hoặc rất nhẹ.

Rối loạn tâm thần cũng gặp trong ĐK liên tục dưới lâm sàng (Subcnilical status epileptic) khi sự phóng điện ĐK kéo dài, có thể trong nhiều giờ, mà không gây ra các rối loạn vận động. Các cơn này thường khởi đầu đột ngột, biểu hiện bằng sự u ám ý thức, mất định hướng, rối loạn trí nhớ và nhận thức. Cơn có thể kéo dài từ 10 phút đến nhiều giờ và sự hồi phục cũng nhanh như lúc khởi đầu. Sau cơn người bệnh có thể quên hoàn toàn hoặc chỉ nhớ từng mảng những sự việc xảy ra.

ĐNĐ trong cơn thường có những hoạt động mũi nhọn, sóng lan toả hoặc sự phóng điện cục bộ với nhiều mũi nhọn hoặc mũi nhọn - sóng. Trạng thái lú lẫn tâm thần tạm thời này thường được ghi nhận như một rối loạn thực thể não ngay cả khi tính chất ĐK của nó chưa được xác định lúc khởi đầu. Chẩn đoán khó khăn hơn nếu trong bệnh cảnh lâm sàng có sự xuất hiện nổi bật của các triệu chứng về cảm xúc và ngay cả các triệu chứng loạn tâm thần. Trong khi các biến đổi về ý thức và nhận thức lại không rõ rệt. Trong những trường hợp này, việc chẩn đoán rất khó vì chúng thường biểu hiện bằng các ảo giác, hoang tưởng, kích động mạnh, trầm cảm nặng mất vận ngôn hoặc câm tạm thời  và các trạng thái căng trương lực rất giống với các bệnh loạn tâm thần chức năng khác. Với các rối loạn tâm thần từng cơn như vậy cần phải nghĩ đến nguyên nhân ĐK khi chúng xảy ra ở một bệnh nhân có tiền sử về bệnh này. Chẩn đoán sẽ được xác định nếu ĐNĐ trong cơn có những phóng điện ĐK liên tục hoặc gần như liên tục. Nhưng thường thì không đo được ĐNĐ trong cơn và trong những trường hợp này chẩn đoán có thể xác định nếu các cơn biến mất hoặc giảm rõ rệt về tần số và độ nặng dưới tác dụng của các thuốc kháng ĐK.

Chẩn đoán thường khó hơn ở những bệnh nhân mà tiền sử bệnh nhân chưa được biết rõ. Trong những trường hợp này, 4 đậc điểm lâm sàng sau đây gợi ý về khả năng của một nguyên nhân ĐK.

1/ Sự khởi đầu đột ngột của loạn tâm thần ở một bệnh nhân trước đó được xem là hoàn toàn bình thường về tâm thần.

2/ Sự khởi đầu đột ngột của lú lẫn tâm thần mà không có những nguyên nhân khác thường gặp hơn.

3/ Tiền sử có những cơn tương tự với khởi đầu và hồi phục một cách đột ngột tự phát.

4/ Tiền sử có những cơn ngất xỉu hoặc ngã không có lý do rõ rệt

Việc chẩn đoán xác định đặc biệt quan trọng vì sự điều trị bằng thuốc kháng ĐK phù hợp sẽ giúp cắt cơn và ngăn ngừa sự tái phát.

Ngoài ra sự hung bạo (violence) từng cơn cũng gặp ở vài bệnh nhân ĐK, đặc biệt là ĐK có nguồn gốc ở thuỳ thái dương. Vấn đề đặt ra là phải chăng sự hung bạo này là một biểu hiện của bản thân cơn ĐK là một trạng thái tự động ĐK hoặc là một biểu hiện của tâm lí bệnh ngoài cơn. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt về mặt pháp y. Cho đến nay có nhiều bằng chứng cho thấy sự hung bạo rất hiếm khi xảy ra như là một hiện tượng trong cơn ĐK và chỉ trong rất ít trường hợp hung bạo xảy ra ở bệnh nhân ĐK được cho là do chính cơn ĐK gây nên.

3.2. Các biểu hiện ngoài cơn ĐK: (Interictal manifestation)

3.2.1. Các bệnh loạn tâm thần: Các trạng thái loạn tâm thần ngoài cơn đã được ghi nhận ở bệnh nhân ĐK. Chúng thường gặp nhiều hơn các bệnh loạn tâm thần trong cơn nhưng ít gặp hơn các rối loạn nhân cách. Các bệnh loạn tâm thần này rất giống với tâm thần phân liệt, gặp ở một số bệnh nhân ĐK có nguồn gốc ở thuỳ thái dương. Chúng thường gặp ở phái nữ hơn phái nam và ở bệnh nhân có ổ ĐK ở bán cầu não ưu thế. Chúng có thể xuất hiện cấp, bán cấp hay từ từ và thường sau khi đã bị bệnh ĐK từ 15 năm trở lên. Khoảng thời gian này được xem là một yếu tố quan trọng về mặt nguyên nhân. Và trước đó bệnh nhân thường đã có những biến đổi về nhân cách.

Chúng thường biểu hiện chủ yếu bằng các hoang tưởng paranoid và các ảo giác (đặc biệt là ảo thanh), ý thức không bị rối loạn. Cảm xúc có thể cùn mòn, nhưng thường thì người bệnh còn niềm nở và phù hợp về cảm xúc. Tư duy người bệnh thường nghèo nàn hoặc tư duy lai nhai. Quan hệ giữa các rối loạn tâm thần này  và tần số cơn ĐK chưa được rõ, có khi các rối loạn tâm thần lại nhiều hơn khi các cơn ĐK đã giảm đi. Ở hầu hết bệnh nhân, các rối loạn tâm thần này khác với bệnh TTPL ở nhiều điểm quan trọng. Chúng thường xuất hiện muộn hơn, người bệnh không có tiền sử gia đình về TTPL, cảm xúc và nhân cách bị rối loạn hơn và không có các rối loạn tư duy hoặc thiếu sót kiểu TTPL. Càng về sau, người bệnh càng có nhiều triệu chứng sa sút tâm thần và ít có triệu chứng gợi ý TTPL.

Các rối loạn cảm xúc như cơn trầm cảm, cơn hưng cảm và loạn tâm thần hưng trầm cảm thường ít gặp hơn các rối loạn tâm thần giống TTPL. Tuy nhiên, trái với các rối loạn trên, các rối loạn cảm xúc thường có khuynh hướng xuất hiện  từng cơn và hay xảy ra hơn khi ổ ĐK nằm ở thuỳ thái dương của bán cầu não không ưu thế. Tuy vậy, sự quan trọng của các rối loạn cảm xúc trong ĐK là do tỷ lệ cao về tự sát.

3.2.2. Các rối loạn nhân cách:

Hay gặp nhất ở bệnh nhân ĐK nhất là ĐK có nguồn gốc ở thuỳ thái dương. Ở những bệnh nhân này thường có những biến đổi trong hành vi tình dục (thường là giảm tình dục). Tư duy lai nhai, đi vào các chi tiết vụn vặt, không phân biệt được cái chính với cái phụ và khó chuyển từ vấn đề này sang vấn đề khác. Tính chất này còn thể hiện cả trong chữ viết, hình vẽ của người bệnh. Cảm xúc người bệnh thường không ổn định, hay gây gổ và thỉnh thoảng có những cơn giận dữ, chỉ vì một lý do nhỏ nhặt.

Gần đây, người ta lại chú ý đến hiện tượng đa nhân cách hoặc các trạng thái phân ly ở bệnh nhân ĐK thuỳ thái dương.

Sự kết hợp giữa RL nhân cách và ĐK thuỳ thái dương đôi khi đáp ứng tốt với tâm lí liệu pháp, các thuốc kháng ĐK hoặc kết hợp cả hai. Carbamazepin thường có ích trong việc kiểm soát các triệu chứng dễ bực tức và các cơn bùng nổ gây hấn cũng như các thuốc chống loạn thần.

3.2.3. Các biến đổi về trí năng.

Bệnh ĐK không hẳn gây ra những biến đổi về trí năng. Nếu như có một số người bệnh có kém phát triển về trí tuệ thì ở một số người khác trí tuệ lại phát triển tốt.

Tuy nhiên, nhìn chung thì tỷ lệ giảm sút về trí tuệ trong những người bệnh ĐK cao hơn người bình thường.

4. Nguyên nhân Động kinh

Mọi cơn ĐK đều là kết quả của sự kết hợp các yếu tố di truyền và yếu tố mắc phải. Tuỳ từng trường hợp, một trong 2 yếu tố sẽ chiếm ưu thế.

4.1. Yếu tố di truyền trong ĐK ở người có thể được thiết lập theo nhiều hình thức.

4.2. Yếu tố mắc phải

- Các nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương như bệnh do toxoplasma, cytomegalovius).

- Các ngộ độc thuốc mẹ - thai nhi

+Trong thời kỳ sơ sinh:

- Các bệnh não thiếu máu và thiếu oxy

- Các chảy máu nội sọ tiên phát hoặc do chấn thương.

- Các đụng giập não (chấn thương sản khoa)

- Các nhiễm khuẩn não - màng não do vi khuẩn.

- Các rối loạn chuyển hoá (hạ đường huyết, hạ calci huyết, tăng amoniăc trong máu...)

- Các bệnh não nhiễm độc (thuốc an thần, thời gian bán huỷ dài do người mẹ dùng khi có thai...)

- Hạ đường huyết (cơn co cứng - co giật, co giật cơ)

- Tằng đường huyết kèm tăng thẩm thấu (cơn cục bộ hàng loạt hoặc dữ dội)

- Hạ Natri máu

- Hạ calci máu

+ Các lứa tuổi khác:

 - Chấn thương, nhiễm khuẩn , tai biến mạch máu não, Unão ...

5. Điều trị.

Bệnh động kinh cần được điều trị càng sớm càng tốt nhằm kiểm soát hoàn toàn cơn, tránh các ảnh hưởng xấu như giảm sút trí tuệ và biến đổi nhân cánh cũng như ngăn ngừa trạng thái động kinh liên tục.

Ngày nay việc điều trị toàn diện bằng các phương tiện thuốc men, phẫu thuật, chế độ ăn uống, sinh hoạt, phục hồi chức năng... đã đem lại nhiều kết quả tốt.

5.1. Điều trị bằng thuốc

Đây là hình thức thông dụng và đơn giản nhất

Các thuốc kháng động kinh thường dùng.

a/ Barbituric (Phénoberbital, gardenan, Lépital, Epanal, Luminal, Ortenal) là loại kháng ĐK được dùng nhiều nhất vì dễ sử dụng và giá rẻ.

- Chỉ định: Hầu hết các loại ĐK trừ ĐK cơn nhỏ vắng ý thức, hội chứng West, hội chứng Lennox-Gastaut.

- Cách trình bày: Viên 10, 50, 100 mg. ống 200 mg dùng tiêm bắp thịt.

- Liều lượng:

Người lớn 2-3mg/kg cân nặng. Trẻ em 3-4mg/kg cân nặng

Chia đều 1-2 lần/ ngày.            

Phénoberbital tiêm, dùng trong trạng thái ĐK liên tục.

- Tác dụng phụ: Buồn ngủ, giảm hoạt động tâm thần, giảm năng xuất học tập và công tác. Riêng ở trẻ em có thể gây sự tăng hoạt động rối loạn tính nết, giấc ngủ và quan hệ với xung quanh. Còi xương rất hay gặp ở trẻ em. Thấp khớp (Rhumatisme gardenalique) còn gọi là hội chứng vai bàn tay vì xảy ra ở vai, khuỷu và bàn tay. Rối loạn ở da: Hiếm, khoảng 2% các trường hợp thường là nổi mẫn, mề đay. Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ giảm acid folique trong máu. Làm mất tác dụng của các thuốc tránh thai. Cơn Porphyrie cấp ở người có tiến sử porphyrie.

b/ Hydantoin (Dilantin, Dihydan, Phenitoin, Zentropil, Solantyl, Sedantoinal...)

- Chỉ định: Tất cả các loại ĐK trừ ĐK cơn nhỏ vắng ý thức.

Có hiệu quả tốt hơn Phénobarbital trong ĐK cục bộ phức tạp như ĐK thái dương.

- Cách trình bày: Viên 30mg và 100mg

- Liều lượng: Người lớn 3-5mg/ kg. Trẻ em 5-8mg/ kg chia đều làm 1-2 lần/ngày.

- Tác dụng phụ: Liều cao: khi nồng độ trong máu 20mcg/ml thường gây rung giật nhãn cầu, mất điều hoà đi đứng, rối loạn tâm thần kèm hội chứng tiểu não- tiền đình. Liều trung bình và thấp: Phì đại nướu răng, xảy ra ở 6% bệnh nhân, do viêm nướu răng mãn tính liên quan đến sự giảm IgA trong nước bọt, biến đổi nét mặt do sự tăng sinh các mô liên kết dưới da. Viêm tróc da, nổi mẩn, mề đay. Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do giảm acide folique trong máu. Rậm lông.

c/ Carbamazepin (Tégrétol)

- Chỉ định: Tất cả các loại ĐK trừ ĐK cơn nhỏ vắng ý thức.

Có tác dụng rất tốt trong ĐK cục bộ và hội chứng Lennox-Gastaut.

- Cách trình bày: Viên 200mg

- Liều lượng: Người lớn 10-15mg/kg. Trẻ em 15-20mg/kg

Chia thành 2-3 lần/ngày

- Tác dụng phụ: Rối loạn ở dạ dày, buồn ngủ, mệt mỏi, nhìn đôi, mất điều hoà đi đứng. Giảm bạch cầu, tăng bạch cầu ái toan (éosinophilie) thiếu máu không tái tạo, tử vong. Nổi mẩn ở da. Gây rối loạn hành vi tác phong ở trẻ em. Tránh dùng ở người có thai.

d/ Valproate de Sodium (Depakine, depamid)

- Chỉ định: Tất cả loại ĐK, đặc biệt là ĐK toàn thể như ĐK cơn lớn, ĐK cơn nhỏ, cơn nhỏ giật cơ, hội chứng Lennox-Gastaut. Có thể dùng thay cho Phenobarbital trong điều trị co giật sốt cao.

- Cách trình bày: Viên 200 và 500mg. Dung dịch 1ml = 40 giọt = 200mg

. Liều lượng: người lớn 20-30mg/kg.trẻ em: 30-50mg/kg

chia làm 2-3 lần/ngày.

. Tác dụng phụ: tương đối ít, ăn không ngon, giảm tiểu cầu, rụng tóc, run...

e/ Primidone (Mysoline, Lepsiral, Mylepsin)

. Chỉ định: Tương tự như Phénobarbital

. Cách trình bày: Viên 250mg

. Liều lượng: người lớn 10-15mg/kg.Trẻ em 15-20mg/kg

. Tác dụng phụ: buồn nôn, nôn, mất điều hoà đi đứng.

f/ Succinimides: gồm Ethosuximide (Zarontin), Methosuximide (Cetontin), Phensuximide (Milontin).

. Chỉ định: Chỉ dùng trong ĐK cơn nhỏ vắng ý thức.

. Cách trình bày:

Zarontin: viên 250mg, dung dịch 5ml=250mg

Célontin: Viên 150 và 300mg

. Liều lượng: Zarontin 20-30mg/kg chia 2 lần/ ngày

Celontin, Milontin 5-20mg/kg chia 2-3 lần/ngày.

. Tác dụng phụ: ăn không ngon, đau ở dạ dày, nấc cục, nôn, đau đầu, giảm bạch cầu và tăng Eosinophile.

Đặc biệt Zarontin có thể làm tái xuất hiện các cơn ĐK cơn lớn.

 g/ Benzodiazepin.

- Diazépam (Valium): loại uống không có vai trò trong điều trị lâu dài bệnh ĐK. Loại tiêm tĩnh mạch có tác dụng tốt trong trạng thái ĐK liên tục, sốt cao co giật ở trẻ em.

- Clonazépam (Clonopin, Rivotil).

. Loại uống (Clonopin) có tác dụng tốt trong ĐK cơn nhỏ vắng ý thức. Thường được dùng khi Depakin hoặc Zarontin không có kết quả. Rất ít tác dụng phụ.

Được trình bày dưới dạng viên 0,5, 1 và 2mg

Liều ban đầu là 0,01 mg - 0,03 mg/ kg rồi tăng dần đến 0,1- 0,2mg/kg. Chia làm 2-3 lần/ngày

. Loại tiêm: (Rivotril) được trình bày dưới dạng ống 2ml=1mg được dùng trong trạng thái ĐK liên tục.

- Clobazam (Urbanyl), Nitrazepam (Mogadon), Chlorazepate, Tranxene.

Có tác dụng với mọi cơn nhưng chủ yếu là ĐK cơn nhỏ vắng ý thức, ĐK nhạy cảm với ánh sáng (Epilepsie photosensible) hội chứng Lennox-Gastaut. Bất lợi chính là nhiều tác dụng an thần và dễ gây ra sự quen thuốc.

- Các thuốc kháng động kinh khác.

Nhóm này bao gồm một số thuốc kháng động kinh có hiệu quả nhưng ít dùng vì độc và một số thuốc hỗ trợ để kết hợp với các thuốc kháng ĐK chính.

5.2. Điều trị bằng phẫu thuật:

Được chỉ định trong các trường hợp ĐK do u não, áp xe não, dị dạng mạch máu não, các biến chứng sau chấn thương sọ não (tụ máu ngoài màng cứng và dưới màng cứng, sẹo não...)

5.3. Điều trị bằng chế độ ăn uống:

Đã từ lâu người ta nhận thấy rằng khi sự thăng bằng acide-base trong cơ thể nghiêng về phía acide và sự sản sinh các thể Xeton xảy ra khi nhịn ăn kéo dài có khả năng ngăn ngừa các cơn ĐK (Conklin, Wilder).

5.4. Điều trị nguyên nhân:

Sau khi đã kiểm soát được các cơn co giật, cần tìm và điều trị nguyên nhân của ĐK cơn lớn liên tục để ngừa tái phát. Ở người lớn, 2/3 các trường hợp có nguyên nhân là do u não, nhiễm trùng, tổn thương não, do cai rượu hoặc ngưng đột ngột các thuốc chống ĐK. Ở trẻ em, 50% không rõ nguyên nhân và 50% còn lại là do các bệnh não cấp tính (như viêm màng não mủ, viêm não) do mất nước và rối loạn điện giải hoặc do các bệnh não mạn tính