Giỏ hàng

Đau nửa đầu

đau nửa đầu

bỆNH ĐAU NỬA ĐẦU LÀ GÌ?

Đau nửa đầu hay hội chứng đau nửa đầu Migraine là một trường hợp đặc biệt thuộc nhóm nhức đầu mạn tính có nguồn gốc rối loạn nguyên phát ở não.

Migraine còn được gọi là đau đầu vận mạch hay rối loạn vận mạch não.

Phân loại đau nửa đầu

Đau nửa đầu được phân chia thành các loại dưới đây:

Đau nửa đầu có dấu báo: Người bệnh sẽ nhận được các dấu hiệu cảnh báo sự sắp xảy ra của cơn đau nửa đầu như là nhìn thấy tia sáng lóe lên trước mắt.

Đau nửa đầu không có dấu báo: Cơn đau sẽ xuất hiện bất ngờ, đột ngột mà không có dấu hiệu gì báo trước. Đây cũng là loại phổ biến nhất trong các loại đau nửa đầu.

 Đau nửa đầu có dấu báo nhưng không đau đầu: Loại này còn được gọi là đau nửa đầu thầm lặng. Người bệnh có thể thấy các dấu hiệu cảnh báo nhưng sau đó lại không thấy đau đầu.

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH ĐAU NỬA ĐẦU

Nguyên nhân gây đau nửa đầu khá phức tạp, bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Chính vì thế, trong chẩn đoán nguyên nhân bệnh lý, có rất nhiều giả thuyết được đưa ra.

Đau nửa đầu do sự co giãn bất thường của mạch máu

Chính sự co giãn bất thường này khiến tiểu cầu trong máu tịch tụ và bắt đầu sản sinh những chất dẫn truyền thần kinh gây đau. Đặc biệt hơn đây là nguyên nhân tạo ra lượng serotonin quá mức trong mạch máu, dẫn đến sự mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh (serotonin), gây nên những cơn đau nửa đầu.

Đau nửa đầu do di truyền

Đau nửa đầu là bệnh lý thuộc dạng có tính chất gia đình và được di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bởi vậy sẽ không có gì ngạc nhiên khi bạn cũng bị đau nửa đầu nếu trong gia đình đã từng có người mắc bệnh này. Nếu bố hoặc mẹ mắc chứng bệnh đau nửa đầu thì ở con cái sẽ có tỉ lệ mắc khoảng 40-45%, thậm chí có thể tăng lên 70% nếu cả bố và mẹ đều mắc bệnh.

Đau nửa đầu do thay đổi hormone nội tiết tố

Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng đau nửa đầu cũng có mối liên quan mật thiết với chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới, thời kỳ hormone thay đổi. Điều này lý giải tại sao căn bệnh này lại gặp ở nữ nhiều hơn đến 3 lần so với ở nam giới.

Đau nửa đầu do yếu tố môi trường

Cơn đau đầu thường xuất hiện hơn khi thời tiết thay đổi hoặc chúng ta gặp phải hiện tượng ánh sáng mạnh đột xuất hoặc tiếng ồn quá lớn.

Thực tế, khá nhiều bệnh nhân đến khai lý do khám bệnh là mất ngủ và căng thẳng, đau nửa đầu sau khi đã thăm khám (và uống thuốc) ở các các sở không chuyên khoa hoặc chưa đầy đủ (tiêu chuẩn chẩn đoán), được nghi ngờ là đau nửa đầu migraine và từ đó người bệnh ám ảnh ý nghĩ này khi khái báo triệu chứng.

Khai thác kỹ hơn cho thấy các cơn đau đầu thường xuất hiện sau một thời gian bị áp lực công việc, học hành đối với viên chức, sinh viên học sinh, áp lực gia đình, đối với phụ nữ chiếm tỷ lệ ưu thế. Cần nhìn nhận đây là tình trạng stress và đau đầu giống migraine mà người bệnh ám ảnh thường đi kèm với nhau và những khuyến cáo của các tác giả nghiên cứu trên là phù hợp.

Nguy cơ đau đầu migraine ở bệnh nhân rối loạn lo âu và trầm cảm khá cao và thường kéo dài vì nguyên nhân bệnh lý phức tạp. Để điều trị đau đầu migraine có kết quả, cần nhìn nhận một cách tổng quan hơn giữa chuyên khoa tâm thần và chuyên khoa thần kinh. Do vậy, một số bệnh nhân đến khám và khai bệnh là “đau nửa đầu migraine” nhưng chưa dùng tới thuốc chuyên trị đã thuyên giảm, thậm chí không còn “cơn đau”.

 

Các triệu chứng của bệnh đau nửa đầu

Khác với các bệnh lý khác, bệnh đau nửa đầu thường có các dấu hiệu báo trước sự xuất hiện của cơn đau đầu vào khoảng 1 đến 2 ngày trước đó, được gọi là tiền triệu, bao gồm:

  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Nhạy cảm với tiếng ồn
  • Đột ngột thay đổi tâm trạng, dễ trở nên trầm cảm hoặc hưng phấn
  • Thay đổi vị giác, có khi thèm ăn hoặc có cảm giác buồn nôn
  • Uể oải, mệt mỏi, thường xuyên ngáp

Ngay trước khi xuất hiện cơn đau nửa đầu khoảng 10 đến 30 phút, bệnh nhân thường nhận thấy các rối loạn thoáng qua, thường là các vấn đề liên quan đến thính giác và thị giác như thấy các điểm đen, thấy chớp sáng, nhấp nháy ánh sáng hoặc các vầng hào quang.

Ngoài ra còn có thể có các triệu chứng khác như:

  • Cảm giác chân tay tê như bị châm kim, cơ bắp yếu đuối
  • Mặt hoặc một bên cơ thể tê bại hoặc suy yếu
  • Gặp khó khăn khi nói
  • Cảm thấy ồn ã hoặc có tiếng nhạc
  • Không thể kiểm soát được các động tác cần giật cơ như ném mạnh, vặn xoắn hoặc chuyển động khác

Đau nửa đầu khi nào cần gặp bác sĩ?

Mặc dù đau đầu Migraine là bệnh lành tính nhưng nếu nó xuất hiện kèm với các dấu hiệu sau thì nên cảnh giác:

  • Đau nửa đầu ở người trên 50 tuổi.
  • Các cơn đau xuất hiện ngày càng nhiều, liên tục và mức độ đau cũng tăng lên.
  • Đau nửa đầu kèm sốt cao, nôn mửa.
  • Đau đầu mãn tính, đau khi ho, hắt hơi, căng thẳng.
  • Đau đầu kèm tình trạng cứng cổ, khó khăn khi nói, nhìn mờ.

Đau nửa đầu dữ dội, thường xuyên thì bạn nên đi khám bác sĩ

 

Điều trị đau nửa đầu như thế nào?

Đau nửa đầu khiến người bệnh đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt, làm giảm năng suất lao động… Vì thế, cần điều trị sớm bệnh lý này để cuộc sống của người bệnh không bị ảnh hưởng.

+ Bệnh đau nửa đầu nếu được điều trị sớm sẽ đem lại kết quả tốt tránh đem lại tác hại nó gây ra cho cơ thể con người. 

+ Bệnh nhân không nên tự ý đi mua thuốc hay lạm dụng các thuốc giảm đau.

+  Thời gian điều trị thường là 2 - 3 tháng kể cả khi không còn đau đầu nữa, để tránh tái phát.

Phòng bệnh đau nửa đầu như thế nào?

Để phòng chống bệnh đau nửa đầu hiệu quả, bạn cần tránh các yếu tố có thể là nguồn cơn hay tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Các yếu tố khiến căng thẳng đầu óc.
  • Mất ngủ kéo dài; tâm trạng lo lắng.
  • Các yếu tố môi trường như thời tiết thay đổi, ánh sáng mạnh, tiếng ồn, mùi nồng.
  • Không lạm dụng và tự sử dụng thuốc điều trị mà không có hướng dẫn từ bác sĩ
  • Hạn chế tối đa dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…

Đau nửa đầu là dấu hiệu cảnh báo bạn đang gặp các vấn đề về hệ thần kinh, tuần hoàn máu,não bộ. Tình trạng này xảy ra thường xuyên và kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Do đó cần đi khám kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm